Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban VSTBPN tỉnh xung quanh vấn đề này.
P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật qua 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, hoạt động VSTBPN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015?
Đ/c Trịnh Việt Hùng: Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945, Hiến pháp nước ta các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013 đều quy định rõ quyền bình đẳng nam nữ là quyền cơ bản của mọi công dân.
Đối với tỉnh ta, những năm qua, công tác bình đẳng giới và VSTBPN luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện. Đặc biệt, sau khi có Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này, như: Chỉ thị số 21/CT-TU ngày 01-6-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và VSTBPN của tỉnh đến năm 2020; Kế hoạch số 17/KH- UBND ngày 03-6-2011 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01-12-2009 củaChính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới, các hoạt động VSTBPN; quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban VSTBPN từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Trong 5 năm qua, công tác bình đẳng giới, hoạt động VSTBPN của tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật, đó là: Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên; khoảng cách giới từng bước được thu hẹp lại; phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc thực hiện các mục tiêu, các chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới cơ bản hoàn thành, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như chính trị, lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục - đào tạo... Về một số chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 28,57%, đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016: Cấp tỉnh đạt 28,57% (tăng 4,69% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện 27,38% (tăng 1,64%), cấp xã 21,42% (tăng 0,88%). Tính đến tháng 11-2015, có 24/50 đơn vị có cán bộ nữ lãnh đạo (chiếm 48%). Bình quân mỗi năm toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 22 nghìn lao động, trong đó nữ chiếm gần 49%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 30% doanh nghiệp do nữ làm chủ, hoạt động ở mọi lĩnh vực ngành nghề; tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề đạt 57,5% (kế hoạch là 25%), tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 98%. Trong công tác truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đều có chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới như chuyên mục "Phụ nữ”, “dân số và phát triển”, “Tìm hiểu kiến thức pháp luật”… phát định kỳ hàng tháng.
P.V: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn tồn tại những khó khăn, thách thức gì, thưa đồng chí?
Đ/c Trịnh Việt Hùng: Trong thực tế, nhận thức về bình đẳng giới có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa sâu sắc và toàn diện. Việc triển khai chương trình Quốc gia về bình đẳng giới chưa đồng đều ở các ngành, địa phương. Một số đơn vị chưa thực sự chủ động, tích cực nên hiệu quả đạt chưa cao. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương còn ít về số lượng, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ. Việc quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ đã có sự thay đổi tích cực, song chưa đồng đều, ổn định giữa các đơn vị. Về mục tiêu số 4 về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế chưa đạt các chỉ tiêu về giảm tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản và tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai…
Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tâm lý tự ti, an phận của phụ nữ tiếp tục là rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới.
P.V: Để giải quyết những tồn tại, khó khăn, thách thức nêu trên, bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, theo đồng chí cần có những giải pháp nào?
Đ/c Trịnh Việt Hùng: Trước hết, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị, đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho việc thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm, thì nơi đó triển khai thực hiện tốt các mục tiêu bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác bình đẳng giới nhất là người đứng đầu cơ quan đơn vị. Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và VSTBPN trên các kênh thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ và mọi người dân. Ba là: Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực quản lý Nhà nước về bình đẳng giới cho đội ngũ làm công tác bình đẳng giới và VSTBPN các cấp. Bốn là: Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mô hình bình đẳng giới ở cơ sở và cộng đồng. Năm là: Các sở, ngành được giao chủ trì và phối hợp thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới phải nỗ lực, tích cực hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo phân công của UBND tỉnh. Làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời, huy động các nguồn lực và bảo đảm ngân sách Nhà nước cho công tác bình đẳng giới cũng như các hoạt động VSTBPN…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!