Trong những năm gần đây, thế giới ngày càng quan tâm đến nguy cơ từ các dịch bệnh truyền nhiễm mới có khả năng gây ra những hậu quả nhanh chóng và sâu rộng đối với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế.
Ước tính có khoảng 60% các bệnh mới xuất hiện trên người có nguồn gốc từ động vật; trong số đó hơn 70% dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đáng chú ý như: Ebola, MERS – CoV, SARS và cúm gia cầm. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới của châu Á – nơi được coi là 1 trong 5 “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên người và động vật.
Đó là thông tin được đưa ra tại lễ ra mắt đối tác và ký kết thỏa thuận "Khung đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người" do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 1/3 tại Hà Nội.
Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong những năm đầu thế kỷ 21, tình hình dịch bệnh diễn bến phức tạp, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi có nguồn gốc từ động vật xuất hiện, đặc biệt là dịch bệnh cúm gia cầm và cúm ở người. Trước thực tế đó, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập Đối tác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người (gọi tắt là PAHI). Đối tác phòng chống cúm gia cầm và cúm ở người đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các Bộ, ngành liên quan khác trong công tác phòng chống dịch bệnh; ngăn chặn thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, khống chế hiệu quả dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm cũng như ở người. Trong năm 2015, Việt Nam đã không ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm ở người.
Trước những diễn biến phức tạp của các dịch bệnh mới, Đối tác Một sức khỏe phòng chống bệnh lây truyền từ động vật ra người (OHP)- sáng kiến mới của Chính phủ Việt Nam trong chiến lược phòng chống nguy cơ bệnh lây truyền từ động vật sang người đã chính thức ra mắt. Đối tác này sẽ tổ chức diễn đàn Một sức khỏe thường niên và mở ra nhiều cơ hội cho các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ thành tựu, những bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất các khuyến nghị về chính sách, chiến lược một sức khỏe và các dự án nghiên cứu tại Việt Nam nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế, huy động và điều phối hiệu quả các nguồn tài trợ.
Mục tiêu của đối tác mới là hướng tới giải quyết các nguy cơ về dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe con người và động vật thông qua các chiến lược có sự tích hợp tổng quan cả ba khía cạnh: sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường. Đối tác mới sẽ hỗ trợ Việt Nam cùng Indonesia với vai trò là một trong hai quốc gia đi đầu thực hiện gói hành động Phòng chống bệnh lây truyền từ động vật (ZDAP)- đó là 1 trong 11 lĩnh vực của Chương trình An ninh y tế toàn cầu (GHSA) góp phần vào nỗ lực chung của hơn 40 quốc gia thành viên nhằm bảo vệ thế giới trước các nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm.
Tại đây, đại diện 27 đối tác trong nước và các tổ chức quốc tế đã tham gia ký kết khung đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.../.