Văn hóa doanh nhân - đôi điều suy ngẫm

17:13, 25/03/2016

Đã có quan niệm cho rằng, doanh nhân kinh doanh không ngoài mục đích lợi nhuận, còn văn hóa là phạm trù hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ, nên giữa doanh nhân và văn hóa ít có mối quan hệ. Tuy nhiên, đây lại là hai phạm trù có quan hệ hữu cơ, nhất là ở thời điểm mà nền kinh tế thị trường đang ngày càng thể hiện rõ ràng hơn.

Trong điều kiện mới đòi hỏi doanh nhân phải vừa có tài kinh doanh vừa có văn hóa ứng xử với thị trường. Ở đây, văn hóa gắn liền với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, văn hóa ngay trong cư xử với người lao động, với bạn hàng cạnh tranh và với xã hội. Với một người được cho là doanh nhân văn hóa thì ngoài các phẩm chất trong kinh doanh (năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhạy bén) thì còn cần phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức tốt, đoàn kết, biết tập hợp mọi người, luôn giữ chữ tín với đối tác, bạn hàng, tham gia thị trường cạnh tranh lành mạnh và đặc biệt phải có trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay ở đâu đó vẫn tồn tại những dạng doanh nhân chỉ quan tâm đến kinh tế cho bản thân, gia đình, nhóm lợi ích mà quên đi vai trò và trách nhiệm với xã hội.  

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong một góc nhìn cụ thể, việc một doanh nhân đứng đầu doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà quên nhiệm vụ bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội thì doanh nhân và doanh nghiệp đó cũng được coi là đứng ngoài chuẩn mực văn hóa doanh nhân. Nếu nói vậy thì thực tế ở tỉnh ta thời gian qua đã có một số trường hợp được liệt vào dạng như thế. Vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài của Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu thuộc Công ty CP Sơn Lâm tại xóm Nhị Hòa, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) làm xôn xao dư luận là một ví dụ. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2006, mỗi năm đơn vị này xả thải khoảng 30.000 m3 nước, nhưng lại không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo cam kết. Từ năm 2008 đến đầu năm 2014, các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương đã xử phạt vi phạm nhiều lần, mỗi lần mấy trăm triệu đồng nhưng đơn vị này vẫn tái phạm, phớt lờ những yêu cầu của tỉnh. Phải đến khi không thể chấp nhận được nữa, tỉnh quyết định dừng hoạt động của Nhà máy này thì mới chấm dứt được tình trạng ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, dư luận cho rằng người đứng đầu doanh nghiệp này không thể nói là người có trách nhiệm với xã hội và tất nhiên nằm ngoài tiêu chuẩn doanh nhân văn hóa.    

 

Trường hợp khác đang được dư luận quan tâm đề cập là một nhân vật từng đứng dậy từ "vũng bùn" sau khi trở lại cuộc sống thường ngày đã là một doanh nhân. Thời gian đầu doanh nhân này làm ăn ngay ngắn, được bạn hàng tin tưởng, chính quyền tạo điều kiện và nhất là được dư luận khen ngợi và thán phục về khả năng "hoàn lương" tuyệt vời, nhưng càng về sau với nhiều hoạt động có phần bất minh của mình, khiến dư luận mất dần lòng tin, không khỏi hoài nghi, dè chừng. Dư luận cho rằng, việc núp bóng một doanh nghiệp để thực hiện các hành động bất minh (nếu được phát hiện, làm rõ) là không chỉ thiếu văn hóa mà còn là vi phạm pháp luật. Điều đáng nói là doanh nhân này vẫn thường xuyên được một số tổ chức chuyên ngành "ghi nhận" là doanh nhân xuất sắc nhằm giúp đánh bóng thương hiệu. Thử hỏi như vậy có đủ phẩm chất để trở thành doanh nhân văn hóa?

 

Lâu nay, cạnh tranh thị trường luôn được xem là môi trường tốt để phát triển, nhưng đấy là nói ở khía cạnh lành mạnh, còn cạnh tranh "bẩn" hay cố tình dìm đối thủ xuống để đội mình lên vẫn xuất hiện đâu đó. Thực tế thời gian qua đã chứng minh đã có doanh nhân, doanh nghiệp này xúi giục, mua chuộc người khác đâm đơn kiện doanh nhân, doanh nghiệp kia chỉ vì hai doanh nghiệp đang cùng xin cấp một mỏ khoáng sản. Có doanh nhân còn tung tin ảo trên mạng xã hội hoặc mời một số cơ quan truyền thông không chính thống đến thông tin bôi nhọ đối thủ để dành về một bản hợp đồng có giá mà hai bên đang ngầm tranh chấp. Lại có doanh nhân không có năng lực đầu tư, thiếu khả năng tài chính, biết mình khó có thể trúng thầu dự án xây dựng đã ngầm cho người đóng giả là cán bộ của doanh nghiệp X, doanh nghiệp Y đến quay phim, chụp ảnh rồi tung lên mạng “đóng sống” cho bên chủ đầu tư là thiếu minh bạch, gây khó dễ, nhằm loại bớt đối thủ.

 

Gần đây, trường hợp cạnh tranh không lành mạnh trong khu vực kinh doanh sản phẩm bê tông tươi trên địa bàn tỉnh cũng khiến dư luận quan tâm. Vừa ra đời không lâu, mặc dù đầu tư dây chuyền, thiết bị và phương tiện hiện đại, làm việc rất cẩn trọng, đúng quy trình nhưng sản phẩm bê tông H&P đã bị đối thủ cạnh tranh hạ uy tín bằng việc tung tin lên một số trang mạng rằng sản phẩm bê tông H&P kém chất lượng. Ông Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH H&P cho rằng, từ khi xuất hiện bê tông H&P thì giá bê tông tươi trên thị trường đã giảm xuống khoảng 300 nghìn đồng/m3, có lợi cho người tiêu dùng. Có lẽ vì lý do ấy mà chúng tôi bị đối thủ giở bài hạ uy tín. Sau khi các cơ quan chức năng vào kiểm nghiệm, kết quả là sản phẩm bê tông H&P đảm bảo chất lượng đề ra. Hiện nay, đơn vị đã lấy lại uy tín và đang phát triển rất tốt trên thị trường. Như vậy, có thể thấy việc cạnh trang không lành mạnh cũng được xem là thiếu văn hóa. Người chủ doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng thiếu văn hóa. 

 

Hiện nay, trách nhiệm xã hội cũng như nghĩa vụ công dân của doanh nghiệp rất quan trọng. Doanh nghiệp được xem là thành phần chủ đạo của nền kinh tế quốc gia. Nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra, có ông chủ được tôn vinh là doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân xuất sắc với doanh thu và lợi nhuận hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, Ấy vậy mà vẫn có trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước. Một số trường hợp còn cố tình chây ỳ, khi ngành Thuế thúc rát quá thì cậy nhờ ông nọ, bà kia can thiệp nhằm gia hạn nộp thuế nhưng thực tình muốn kéo dài thời gian để sử dụng khoản thuế phải nộp vào mục đích khác có lợi hơn (!?). Bởi thế, hiện tại có những đơn vị nợ ngân sách tới năm, bẩy chục tỷ, rồi ngón cả trăm tỷ. Lại có ông chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra, xây dựng hết cơ ngơi nọ đến nhà lầu kia, đắp những khoản tiền kếch xù vào các thú chơi “ngông” như sưu tầm xế hộp, mua xe mô tô phân khối lớn phục vụ những cuộc tụ tập, nhậu nhẹ hay đi phượt vô bổ, nhưng không mấy khi dám bỏ ra một đồng làm từ thiện hoặc hỗ trợ xây dựng công trình phúc lợi xã hội nào đó cho ra hồn… Liệu đây có được xem là những doanh nhân văn hóa đúng nghĩa?

 

Qua bài viết này, tác giả chỉ muốn đưa ra một vài trường hợp cụ thể đằng sau cái gọi là văn hóa doanh nhân. Dù không phải nhiều, không mang tính phổ biến nhưng đây cũng là những trường hợp nói lên mặt trái cần suy ngẫm của văn hóa doanh nhân. Trong xã hội ngày càng tiệm cận đến sự công bằng, nhân văn, đề cao chân, thiện, mỹ như hiện nay thì doanh nhân chắc chắn không chỉ là nhà sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn phải là người có tâm hồn, khí phách, bản lĩnh người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, biết chung tay vì cộng đồng xã hội.