“Cán bộ phải làm được những việc dân cần”

17:37, 13/04/2016

Đó là chia sẻ của ông Đào Văn Thép, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Sơn (T.P Sông Công) về quãng thời gian là “công bộc” của dân trong gần 30 năm công tác. Sự nỗ lực của ông Thép đã được ghi nhận không chỉ bằng những tấm Giấy khen, Bằng khen của UBND T.P Sông Công, UBND tỉnh vì đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 mà quan trọng hơn là sự tin tưởng, yêu mến của người dân dành cho ông.

Xuề xòa ngồi uống chén nước với những người thợ đang xây công trình nhà văn hóa xóm Tân Sơn, thân mật hỏi han việc làng, việc xóm với cán bộ xóm, ông Đào Văn Thép thật gần gũi và được người dân quý mến. Ông Khương Văn Lực, Bí thư Chi bộ và ông Dương Minh Tường, Trưởng xóm Tân Sơn nói: Ông Thép là một cán bộ nhanh nhẹn, chủ động trong nắm bắt và chỉ đạo công việc. Luôn sống, làm việc có trách nhiệm, không xa rời quần chúng.

 

Nhiều năm gắn bó với công tác cơ sở, từ Bí thư Đoàn xã, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn, nên hơn ai hết, ông Thép luôn xác định phương châm làm việc của mình là biết lắng nghe, tôn trọng và học hỏi ở người dân. Bằng cái tâm trong sáng, sự thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, nhiều vụ việc khúc mắc ở cơ sở đã được ông chỉ đạo giải quyết thoả đáng, được nhân dân tin tưởng, được cấp trên và đồng nghiệp tín nhiệm. Hiện nay, trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã, ông vẫn luôn gương mẫu trong nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy.

 

11 năm giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã, ông Thép tâm niệm, cán bộ phải luôn sâu sát với cơ sở, gần gũi với nhân dân, không chỉ để nắm bắt tình hình mà còn để kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh ngay từ khi vẫn còn trong “trứng nước”. Ông nhớ lại, năm 2013 và 2014 trên địa bàn 3 xóm Vinh Quang 1, 2, 3 đều có tình trạng trưởng xóm xin “từ chức” với lý do sức khỏe không đảm bảo. Thời điểm ấy đúng vào dịp triển khai công tác thủy lợi đảm bảo sản xuất vụ xuân và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên công việc rất nhiều. Trước thực trạng đó, xã Vinh Sơn đã chỉ đạo các chi bộ tìm người thay thế. Ông Thép và một số cán bộ đã xuống các xóm gặp gỡ và tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa là do việc thu tiền khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng, vận động các hộ dân ủng hộ quy hoạch khu nghĩa trang cạnh khu chăn nuôi chưa được nhân dân thống nhất cao… khiến các trưởng xóm “đau đầu”, xin “từ chức”. Từ đó, ông Thép đã phối hợp với các chi bộ, đưa ra giải pháp kiện toàn lại đội ngũ cán bộ xóm, cụ thể là đề nghị giới thiệu ông Nguyễn Văn Ấn đang là Bí thư Chi bộ xóm Vinh Quang 1 làm Trưởng xóm còn Chi bộ bầu bí thư chi bộ mới. Còn xóm Vinh Quang 2, sau khi bàn bạc và thống nhất với Chi bộ, giao cho ông Bùi Thanh Sen, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã làm Trưởng xóm. Với xóm Vinh Quang 3, bà Dương Thị Hồng được Chi bộ bầu làm Bí thư Chi bộ nhưng khi họp xóm, nhân dân kiên quyết bầu bà Hồng làm Trưởng xóm nên đã đề nghị Đảng ủy tìm nhân sự mới để chi bộ bầu bí thư. Như vậy, sau nhiều ngày nắm bắt thông tin và cùng bàn phương án tháo gỡ, khó khăn về nhân sự làm trưởng xóm ở 3 xóm nói trên đã được giải quyết dứt điểm.

 

Đầu năm 2014, khi xóm Vinh Quang 2 có nhu cầu mua đất làm nhà văn hóa và gặp khó khăn về tài chính mà ông Bùi Thanh Sen mới “cáng đáng” nhiệm vụ Trưởng xóm cảm thấy “rối như tơ vò”. Để giải quyết vấn đề này, ông Thép đã cùng đi vận động các hộ dân liên quan để mua, đổi diện tích đất phù hợp, nhanh chóng xây dựng, đưa vào sử dụng nhà văn hóa xóm, trị giá trên 300 triệu đồng, đáp ứng nguyện vọng có điểm sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân.

 

Hay khi xã thực hiện quy hoạch nghĩa trang và khu chăn nuôi khoảng hơn 10ha, trong đó 2,5ha nghĩa trang nằm trên địa bàn các xóm Vinh Quang. Ban đầu người dân lo lắng sẽ bị ô nhiễm môi trường nên không đồng ý và viết đơn kiến nghị gửi UBND xã, phản đối trong buổi họp xóm khiến đội ngũ cán bộ xóm, trong đó có trưởng xóm lúng túng không thể giải quyết. Qua các nguồn tin, ông Thép đã nắm được, không phải toàn bộ người dân mà chỉ có một vài cá nhân chưa nhất trí về việc quy hoạch. Sau nhiều lần trực tiếp tham dự các cuộc họp, phân tích thấu đáo để người dân hiểu được lợi ích khi thực hiện xây dựng khu nghĩa trang và chăn nuôi ở khu vực này, đồng thời để họ thấy, không có địa điểm nào thích hợp hơn. Trước sự phân tích thấu tình đạt lý của cán bộ xã, người dân trong xóm đã hiểu và ủng hộ.

 

Từ sự gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, làm việc hết sức mình vì nhân dân, ông Thép luôn là tấm gương cho cán bộ ở cơ sở học tập, nhân dân tin tưởng và đồng lòng hưởng ứng các phong trào. 5 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, tổng số tiền xây dựng cơ sở hạ tầng của xã Vinh Sơn là gần 49 tỷ đồng, xã đã vận động người dân đóng góp trên 22 tỷ đồng và hiến gần 23.000m2 đất. Riêng gia đình ông Thép cũng hiến 500m2 cho xây dựng các công trình của địa phương. Với nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là sự chung tay góp sức của nhân dân, đến tháng 5-2015, xã đã vinh dự đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Tổng kết phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, xã cùng với T.P Thái Nguyên vinh dự là 1 trong 2 tập thể được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào này.

 

Ngay sau khi xã Vinh Sơn đón chuẩn nông thôn mới, ông Thép đã chỉ đạo UBND xã xây dựng ngay kế hoạch tiếp tục thực hiện chương trình này trong giai đoạn tiếp theo. Từng năm, xã đặt mục tiêu cụ thể, phân công cho các xóm, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để duy trì, giữ vững các tiêu chí. Trăn trở về phong trào xây dựng nông thôn mới với không ít khó khăn, ông Thép nói:  Thời gian tới, xã vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là hoàn thiện và nâng cao tiêu chí môi trường và tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Đảng ủy đã ra nghị quyết chuyên đề chỉ đạo các chi bộ, đoàn thể tập trung thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới. Làm điều gì, chúng tôi cho rằng cũng đều phải phục vụ lợi ích của nhân dân, là những điều dân cần…