Không giáp mặt với quân thù ngoài tiền tuyến, nhưng trên mặt trận ở hậu phương, họ cũng đối mặt với bao hiểm nguy; nhiều người đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Họ là những thanh niên xung phong làm nhiệm vụ thông đường, chuyển tải quân lương, vũ khí, khí tài từ Thái Nguyên tiếp viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Bom giật, đạn nổ của giặc Mỹ đã không thể khiến họ sờn lòng. Trưởng thành trong chiến đấu, ý chí quyết chiến, quyết thắng như hun đúc thêm cho các chị, các anh những quyết tâm vượt lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Tay không đối mặt với những trái bom
Căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ ở tổ 6, phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên lúc nào cùng rộn rã tiếng cười vui của cụ bà và con trẻ, đó chính là mái ấm của cựu thanh niên xung phong Đại đội 912 Bắc Thái thời kỳ kháng chiến chống Đế quốc Mỹ cứu nước Nguyễn Thị Sáu. Bà năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát. Gặp khách hỏi chuyện “chân đất đạp bom, tháo kíp nổ” bà cười và nói: “Ngày đó tháo xong kíp nổ, nóng, mệt xắn ống quần đứng lên thân quả bom hóng gió, chỉ huy đến thăm, sẵn có máy các anh đã chụp lại hình ảnh đó. Bức ảnh đó giờ cũng bị ố theo thời gian”. Gợi ý mãi bà mới vào chuyện trong sự trầm tư: “Chuyện đã lâu rồi, đất đã thay màu, cây xanh đã liền sẹo, người còn sống thì cũng thay da, đổi thịt và lên lão cả rồi, nhắc lại các cháu cũng khó hình dung…” Bà kể: Năm 19 tuổi vùng đồng đất Phổ Yên thanh niên nô nức lên đường nhập ngũ ra trận. Dù không trong diện nhập ngũ, bà cũng cố tìm cách xung phong đi đánh giặc cho bằng chí khí chúng bạn. Đến năm 1966 bà tình nguyện tham gia thanh niên xung phong làm đường các tuyến vào huyện Na Rì (Bắc Kạn) rồi san lấp hố bom đầu cầu Đa Phúc, mở tuyến đi Hồ núi Cốc…Năm 1967-1972, Mỹ điên cuồng ném bom các mục tiêu trên đất Gang thép, Phú Lương, T.P Thái Nguyên…nhằm cắt đứt huyết mạch vận chuyển vũ khí, khí tài và lương thực chi viện cho tiền tuyến giải phóng miền Nam. Sau mỗi loạt bom nổ cày xới tung đất đá, nhà cửa, đội thanh niên xung phong lại tay cuốc, tay xẻng, xà beng ra hiện trường san lấp thông đường cho xe vận tải. Bom nhiều đến mức, có lúc như bom chồng lên bom và không kịp phát nổ hoặc không nổ. Nhưng có những loại chỉ cần va chạm mạnh vào là nổ. Đại đội đã cử bà và 3 đồng đội là nam giới đi học cách tháo kíp bom. Sau mỗi loạt bom như vậy, đội tháo bom lại “ra trận” lần theo vết trên mặt đất để đào tìm bom. Bà Sáu nhớ lại trận địa xã Thượng Đình (Phú Bình) năm 1967, ban ngày theo dõi các loạt bom ném xuống và tối đến, chỉ có bốn người tháo bom ra hiện trường lần theo vết bom chưa nổ để đánh dấu và đào tìm tháo kíp nổ. Cảm giá lần đầu tiên, sau khi đồng đội đã đột phá lỏng gien kíp nổ, hai tay bà run run, mồ hôi ướt lạnh khắp người khi vặn những đốt gien cuối cùng tháo kíp ra.
Chỉ sơ xảy, rung tay là kíp chạm nổ, khối thuốc nổ hàng tạ sẽ phát nổ. Cánh tay bà cứng chặt như hai gọng kìm từ từ đưa kíp ra trong sự hân hoan mừng chiến thắng của đồng đội. Cứ như vậy, hàng chục quả bom bị “tê liệt” dưới đôi bàn tay nữ thanh niên xung phong dũng cảm. Khi được hỏi có khi nào bà cảm giác lo sợ? Bà cười hồn nhiên: “Đã sợ thì đừng ra trận, sợ thì khi tháo kíp nổ cũng không an toàn và chỉ một chút sơ xảy là cầm chắc cái chết. Dưới mưa bom, bão đạn, đồng đội còn được một bữa cơm chung bên nhau là nên nghĩa tình. Không hẹn mà đến bên nhau cùng chung ý chí chiến đấu thì ngại gì hy sinh, gian khổ, vì vậy ai cũng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”.
Lập công ngày Quốc tế lao động đầu tiên khi đất nước thống nhất
Cũng giống như bà Sáu, bà Vi Thị Cúc, cựu Đại đội trưởng Đại đội Thanh niên xung phong 912. Liên tục từ năm 1969 đến 1973 bà cùng đồng đội bám trụ trên các tuyến giao thông huyết mạnh nối quốc lộ 3 với quốc lộ 1B, san lấp hố bom trên mặt trận Linh Sơn, Nam Hòa, Hóa Thượng (huyện Đồng Hỷ). Bà nhớ lại: “Chiến tranh không đợi chờ ai và cũng không dành chỗ cho mọi toan tính. Tất cả chỉ có hành động theo phương châm: Táo bạo, bất ngờ và thần tốc”. Bà Cúc kể: Đơn vị nhận nhiệm vụ thông tuyến từ quốc lộ 1B sang quốc lộ 3 khi máy bay Mỹ ném bom dữ dội, mà chiến trường luôn mong đợi hàng tiếp viện. Sau mỗi loạt bom, tất cả lại ùa ra san lấp làm nền đường. Ban ngày, mật độ thả bom dầy, cả đại đội chuyển sang làm đêm để đánh lạc hướng địch. Không đèn, các chị bắt đom đóm làm tín hiệu dẫn lối xe đi và đánh dấu các hố bom, cũng như điểm bom chưa nổ. Đêm đông buốt giá, nhưng các chị, các anh trong đội vẫn trầm mình dưới sông dẫn lối xe qua an toàn. Gian khó, hiểm nguy, nhưng trong toàn Đại đội vẫn dấy lên phong trào thi đua sôi nổi giành những lá cờ chiến thắng.
Bà Vi Thị Cúc, cựu Đại đội trưởng Đại đội Thanh niên xung phong 912, năm nay đã 71 tuổi, những vẫn tích cực tham gia lao động, phát triển kinh tế gia đình.
Năm 1975, Mỹ ngừng ném bom, Đại đội chuyển sang làm việc tại các đội công nhân xây dựng, tái thiết các công trình nhà xưởng khu Gang thép. Bước ra từ chiến trường đầy bom đạn, các anh, các chị vẫn giữ nguyên tác phong, hiệu lệnh chiến đấu để thực thi nhiệm vụ bảo đảm đúng kế hoạch. Bà Cúc nhớ lại ngày 30-4-1975: “Cả đội đang lấm lem bùn đất dựng nhà cho công nhân thì nghe tin thắng trận, tất cả ôm chặt lấy nhau mừng vui trong nước mắt và nụ cười chiến thắng. Ngay tối hôm đó, chúng tôi tổ chức mít tinh và phát động đợt thi đua cao điểm mừng chiến thắng và hưởng ứng Ngày Quốc tế lao động (1-5). Hơn 100 cựu đội viên và công nhân đồng lòng hô vang khẩu hiệu quyết chiến, quyết thắng. Hơn 60 ngày đêm làm việc liên tục trong niềm vui hân hoan chiến thắng, gần 300m2 nhà đã được dựng xong, về đích trước kế hoạch giao. Tin vui nhanh chóng được lan tỏa khắp công trường khi Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Đội xây dựng số 3 do bà Vi Thị Cúc làm Đội trưởng, trong đó có một tổ được suy tôn Tổ lao động XHCN và trong năm 1975, đơn vị này được cử đại diện tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh.
Chia sẻ với chúng tôi về thành tích đặc biệt này, bà Cúc cho biết: “Thực chất tinh thần lao động XHCN bấy giờ chỗ nào cũng sôi sục như thời chiến, ai cũng hăng hái, nhiệt tình. Nhưng dù bất cứ hoàn cảnh làm việc nào cũng phải biết dùng người. Mỗi người đều có những kỹ năng lao động đặc biệt, bên cạnh việc phát động, bình xét thi đua chính xác, thì phải biết tổ chức thực hiện và phân công đúng người đúng sở trường thì việc sẽ thành công. Làm xây dựng cũng như khi ra trận, không phải ai cũng tháo được kíp bom và không phải ai cũng phán đoán được hướng rơi của bom mà tránh. Những lúc như vậy, chỉ có những con người có năng lực đặc biệt mới chính là người chỉ huy”.
Vậy là đã 41 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2015), non sông thu về một mối, với thế hệ chúng tôi, khi sinh ra, chiến tranh đã lùi xa, tất cả chỉ còn là những câu chuyện kể trong ký ức bậc tiền bối. Đôi khi bắt gặp những quả bom thép như nhắc nhở chúng ta về một thời gian khó và hào hùng của dân tộc trong chiến tranh chống đế quốc xâm lược. Nhưng“Bom không nổ, không phải bom không thể phát nổ!” Câu chuyện của các cựu thanh niên xung phong đã cho chúng tôi biết thêm đằng sau những trái bom không nổ kia là cả một cuộc chiến đấu dũng cảm, dám chịu hy sinh để giành lấy sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay. Được biết trong số hàng nghìn thanh niên xung phong tham gia trên mặt trận tại Thái Nguyên ngày ấy, giờ đây cũng chỉ còn gần 600 đội viên và đều đã bước vào tuổi thất thập. Mỗi cái bắt tay, mỗi lần gặp mặt là mỗi lần cho chúng tôi như được cùng sống lại những ngày tháng oanh liệt, hào hùng chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.