Nhắc đến người lính, ta thường nghĩ đến hình ảnh những chiến sĩ áo xanh đang ngày đêm chắc tay súng bả vệ Tổ quốc. Nhưng thực tế, có những người lính khoác lên mình tấm áo blouse trắng, cùng lúc thực hiện nhiệm vụ của chiến sĩ và bác sĩ. Chúng tôi may mắn được trò chuyện với một người lính “hai màu áo”. Anh là Thiếu uý, Y sĩ Dương Thế Quyền.
Sinh ra từ rừng, trưởng thành từ biển
Ngôi nhà nhỏ của Thiếu uý Dương Thế Quyền ở xóm Hoà Bình, xã Khôi Kỳ (Đại Từ) quanh năm hầu như không có người ở. Tuy nhiên, không vì thế mà thiếu vắng sự ấm áp, bởi người thân, người dân trong xóm vẫn năng qua lại, giúp đỡ trông nom nhà cửa, quét dọn vườn tược. Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông Trần Văn Khơm đang khoá cửa để chuẩn bị về nhà. Biết chúng tôi hỏi thăm người thân của anh Quyền, ông Khơm bảo: Gia đình hiện giờ chỉ có tôi mỗi tối đến ngủ để trông nhà thôi. Mẹ cháu đang đi lao động ở nước ngoài, còn em gái thì đã lấy chồng từ 2 năm nay.
Theo lời kể của ông Khơm, chúng tôi được biết thêm về hoàn cảnh gia đình của anh Quyền. Thiếu uý Quyền sinh ra trong một gia đình thuần nông. Từ nhỏ, anh đã ước mơ được trở thành người lính bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Năm 2005, bố anh qua đời do bệnh tật. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau đó, mẹ anh đã đi xuất khẩu lao động tại Ma-lai-xi-a để lại 2 đứa con nương nhờ vào người thân và làng xóm. Năm 2006, sau khi học hết THPT, anh Quyền viết đơn tình nguyện xin gia nhập lực lượng hải quân và đóng quân tại tỉnh Quảng Ninh. Sau khi kết thúc thời gian nghĩa vụ quân sự, anh viết đơn xin phục vụ lâu dài trong quân đội và được đơn vị cử đi học Trường Trung cấp Quân y 1. Đến năm 2013, khi đang công tác tại Bệnh viện Y học Hải quân (TP.Hải Phòng), anh Quyền lại viết đơn xin tình nguyện ra công tác tại quần đảo Trường Sa.
Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, anh Quyền cho biết, để có quyết định này, anh đã phải suy nghĩ rất nhiều. Anh bộc bạch: Khi biết tôi có ý định viết đơn tình nguyên xin ra công tác tại quần đảo Trường Sa, một số người đã cảnh báo về những khó khăn, thiếu thốn ở đó. Nhưng tôi nghĩ, là người lính thì không thể ngại khó khăn, vất vả được. Nghĩ lại thì lần đầu tiên ra đảo tôi cũng có chút lo lắng. Là người miền núi, tuy công tác trong lực lượng hải quân nhưng bản thân tôi cũng chưa từng trải qua cảm giác nhiều ngày lênh đênh trên biển. Khi đó, biển cả rộng lớn, cùng những đảo nhỏ nằm đơn côi giữa biển khơi khiến tôi có cảm giác choáng ngợp. Nhưng tôi vẫn tin tưởng mình có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đây.
Anh Quyền công tác tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 3-2013 đến tháng 12-2014). Trong thời gian đó, với nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Anh tâm sự: Thời gian công tác tại Trường Sa đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Cuộc sống ở trên đảo tuy còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng những ngày tháng ấy đã cho tôi biết bao kỷ niệm. Đó là tình đồng chí, đồng đội, là những lần cứu được bệnh nhân, rồi cả những lần “đau đầu” khi gặp ca bệnh khó. Đó còn là tình cảm quân dân qua những lần trò chuyện với những người dân trên đảo, khi nhận thư từ đất liền gửi ra và cả niềm xúc động khi có đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên ra thăm các chiến sĩ trên đảo.
Trường Sa và những kỷ niệm không bao giờ quên
Trong những ngày ở Trường Sa, kỷ niệm khó quên nhất với Thiếu uý Quyền là ca sinh đẻ đầu tiên trên đảo Sinh Tồn. Anh kể: Đó là 4 giờ sáng ngày 2-4-2014, sản phụ Nguyễn Thị Thương được đưa đến Bệnh xá chờ sinh. Kíp trực lúc đó gồm tôi và 3 đồng chí khác, ngoài ra, còn có 1 y sĩ của xã đảo Sinh Tồn và cán bộ UBND xã. Lúc đó, chúng tôi khá lo lắng vì tất cả anh em đều là nam giới, còn trẻ và chưa từng có kinh nghiệm đỡ đẻ. Theo những kiến thức được học, chúng tôi đã theo dõi, chăm sóc sản phụ, đồng thời tìm cách trấn an chị Thương và người nhà. Đến buổi trưa cùng ngày, Bác sĩ sản khoa Nguyễn Lê Minh Đạt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa ra đến nơi thì chị Thương chuyển dạ. Cùng với sự hỗ trợ của bác sĩ Đạt, chúng tôi đã thực hiện thành công ca sinh nở. Bé Nguyễn Phan Ngọc Hân cất tiếng khóc chào đời vào lúc 13 giờ 30 phút trong niềm mừng vui của toàn bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Với sự kết nối của anh Quyền, chúng tôi có dịp trò chuyện với gia đình cháu Hân qua điện thoại. Anh Nguyễn Minh Châu, bố cháu Hân chia sẻ: Gia đình tôi quê gốc ở xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) di cư ra đảo Sinh Tồn vào năm 2013. Khi vợ tôi mang bầu, gia đình đã rất lo lắng vì sinh nở tại xã đảo. Nhưng rất may mắn là được các y, bác sĩ thuộc Bệnh xá đảo Sinh Tồn Lớn quan tâm và thường xuyên thăm khám, theo dõi, cung cấp những thông tin về chăm sóc thai nhi, bồi dưỡng sức khỏe. Sau khi vợ tôi sinh, các y, bác sĩ của Bệnh xá vẫn thường xuyên qua lại thăm khám cho mẹ con cháu. Nhiều chiến sĩ như anh Quyền, dù đã không còn công tác tại đảo vẫn thường xuyên liên lạc, hỏi thăm gia đình.
Ngoài câu chuyện về cháu bé đầu tiên sinh ra tại đảo Sinh Tồn, anh Quyền còn kể cho chúng tôi rất nhiều câu chuyện về những ca cấp cứu trên đảo mà anh cùng đồng đội của mình tham gia. Đó là ca mổ cấp cứu “thần tốc” cho một ngư dân bị thương nặng ở tay và mắt do mìn nổ, những ca mổ ruột thừa cấp tính trong điều kiện còn nhiều khó khăn của Bệnh xá trên đảo, những lần ra khơi để cấp cứu cho ngư dân gặp nạn hay cuộc điện đàm hướng dẫn cách sơ cứu cho nạn nhân khi tàu ở xa đảo…
Hiện nay, dù đã trở lại công tác tại Bệnh viện Y học Hải quân nhưng những ngày công tác tại Trường Sa vẫn còn in đậm trong trí nhớ của anh.