Giai đoạn 2013-2015, Thái Nguyên là một trong 8 tỉnh được Bộ Y tế lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình. Tuy vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa thành lập được phòng khám bác sĩ gia đình nào, trong khi tỉnh ta đang phấn đấu năm 2016 thành lập 3-5 phòng khám Bác sĩ gia đình trong năm 2016. Câu hỏi mà dư luận đặt ra là: Hiệu quả của mô hình này thực chất như thế nào? Có thực sự phù hợp với tỉnh ta trong thời điểm hiện tại?
Hiện nay, nhân lực vẫn là yếu tố khó khăn nhất trong quá trình triển khai mô hình Bác sĩ gia đình tại tỉnh ta. Trong giai đoạn 2013-2015, ngành Y tế tỉnh mới đào tạo được 17 bác sĩ gia đình và có 10 người được cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, số bác sĩ này phần lớn tập trung ở huyện vùng cao Võ Nhai, trong khi đối tượng chủ yếu mà mô hình Bác sĩ gia đình hướng tới là khu vực thành thị, đông dân cư. Thêm vào đó, hiện nay, khái niệm về phòng khám Bác sĩ gia đình còn chưa rõ ràng, chưa được thống nhất trong toàn quốc. Kéo theo đó là cơ chế, chính sách về hoạt động của cán bộ y tế tại phòng khám Bác sĩ gia đình chưa được quy định cụ thể nên rất khó thu hút các bác sĩ trẻ.
Mặt khác, mặc dù hiện nay, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên), với một chuyên ngành mà vị trí công tác, nơi có thể làm việc sau khi tốt nghiệp còn chưa rõ ràng thì mức độ thu hút với sinh viên thấp hơn nhiều so với các chuyên ngành khác. Tại các Hội thảo về Bác sĩ gia đình, những địa phương đã thành lập được phòng khám Bác sĩ gia đình cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn như: Chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân; phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế; chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất, bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình… Và trên thực tế, mô hình phòng khám bác sỹ gia đình còn khá lạ lẫm với đại đa số người dân. Đa phần người dân khi được hỏi về phòng khám bác sĩ gia đình cho rằng mô hình này có nghĩa là bác sĩ đến khám bệnh, điều trị tại nhà.
Mô hình bác sĩ gia đình được triển khai sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, cả nước đã có 6 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương. Tuy vậy, qua theo dõi thực tế, chỉ một số ít phòng khám Bác sĩ gia đình thu hút được đông bệnh nhân, còn lại đều rơi vào tình trạng vắng vẻ. Trong điều kiện đó, câu hỏi được đặt ra ở đây là: Có hay không chuyện “cố đấm ăn xôi” khi tỉnh ta vẫn đang tiếp tục cố gắng xây dựng mô hình này?
Trả lời cho câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Bích Hải cho rằng: Theo dự thảo Kế hoạch của Bộ Y tế về xây dựng và phát triển phòng khám Bác sĩ gia đình đến năm 2020, Thái Nguyên nằm trong số 80% số tỉnh có phòng khám Bác sĩ gia đình. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành Y tế tỉnh đã lên kế hoạch từng bước tháo gỡ các khó khăn. Trước mắt, trong năm 2016, tỉnh sẽ xây dựng thí điểm 3-5 phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với hoạt động của Trạm y tế tuyến xã. Sở Y tế cũng đã lên kế hoạch phối hợp với Bệnh viện Đại học Y - Dược thành lập một phòng khám Bác sĩ gia đình tại đây để tận dụng nguồn nhân lực sẵn có của Bệnh viện. Hiện nay, chúng tôi đang rà soát số bác sĩ gia đình đã được cấp chứng chỉ hành nghề và sẽ tổ chức cho họ đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh có mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, ngành Y tế sẽ rút kinh nghiệm từ các tỉnh bạn trong hoạt động thực tiễn, cũng như tăng cường làm rõ về mô hình Bác sĩ gia đình, tuyên truyền đến người dân về lợi ích của mô hình để nhân dân hiểu và tin tưởng. Trong quá trình hoạt động của các phòng khám Bác sĩ gia đình, chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin, đánh giá hiệu quả nhằm có giải pháp, bước đi phù hợp để những phòng khám Bác sĩ gia đình trên địa bàn tỉnh thực sự phát huy hiệu quả.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi các nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mãn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Xuất phát từ thực tế đó, việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình là bước đi phù hợp với điều kiện hiện nay. Do đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tích cực vào cuộc cùng với ngành Y tế để xây dựng thành công mô hình, nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Mô hình Bác sĩ gia đình được là cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn. Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp và liên tục cho các thành viên trong hộ gia đình, quản lý, cung cấp toàn bộ các chăm sóc y tế hoặc hỗ trợ cho các thành viên của hộ gia đình được sử dụng các nguồn lực y tế và dịch vụ xã hội khác.