Ngày 18-4, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do giông lốc và mưa đá trên địa bàn 2 huyện Phú Lương và Định Hóa, cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTTN, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh, tối 17-4, trên địa bàn 2 huyện Phú Lương và Định Hóa đã xảy ra giông lốc và mưa đá cục bộ với cường độ mạnh gây thiệt hại nặng về tài sản và sản xuất nông nghiệp của người dân. Cụ thể, đối với huyện Phú Lương, giông lốc và mưa đá xảy ra tại 8 xã, thị trấn gồm: Yên Đổ, Yên Lạc, Động Đạt, Ôn Lương, Hợp Thành, Phủ Lý, Yên Trạch và thị trấn Đu. Tổng cộng đã có gần 80 căn nhà bị tốc mái, 1 nhà bị sập hoàn toàn cùng nhiều công trình phụ trợ bị ảnh hưởng. Diện tích lúa và hoa mầu bị ảnh hưởng là hơn 163ha, cùng 6 vườn ươm chè tại xã Động Đạt hư hại nặng. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 1,2 tỷ đồng.
Tại huyện Định Hóa, giông lốc và mưa đá ảnh hưởng đến toàn bộ các xã và thị trấn trên địa bàn, trong đó các xã: Định Biên, Đồng Thịnh, Bình Yên, Thanh Định, Điềm Mặc…bị thiệt hại nặng. Thống kê sơ bộ cho thấy, đã có 431 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó có 263 nhà bị tốc mái và 8 nhà bị sập hoàn toàn; diện tích lúa và hoa mầu bị ảnh hưởng khoảng 647ha, diện tích cây lâm nghiệp là 14ha. Giông lốc đã khiến ba người ở xã Bảo Cường và Thanh Định bị thương.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, UBND 2 huyện trên đã nhanh chóng chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các địa xã, thị trấn rà soát, thống kê thiệt hại; tổ chức thăm hỏi và huy động các lực lượng, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả.
Tại các địa điểm kiểm tra, đồng chí Đoàn Văn Tuấn đã chỉ đạo chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn triển khai ngay các biện pháp khắc phục hậu quả do giông lốc và mưa đá. Với những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, cần bố trí chỗ ở tạm, tuyệt đối không để hộ nào thiếu chỗ ăn nghỉ; huy động nguồn nhân lực tại chỗ như thanh niên, dân quân tự vệ, anh em họ hàng để sửa chữa các căn nhà và công trình bị tốc mái. Đối với diện tích vườn ươm chè, lúa và cây màu bị ảnh hưởng, cần khẩn trương huy động lực lượng để khắc phục trong điều kiện có thể, đồng thời thống kê đẩy đủ diện tích cây trồng, cùng mức độ thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ người dân. Tại buổi kiểm tra, Đoàn công tác cũng đã động viên và hỗ trợ tiền một số gia đình có nhà bị sập hoàn toàn.