Những năm gần đây, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh không còn dừng lại ở phong trào mà thực sự đã đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những tập thể, cá nhân điển hình, những cách làm hay và thiết thực theo gương Bác.
Bài 1: Nhân lên những hành động đẹp
Đó là các tập thể, cá nhân hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có điểm chung là những hành động đẹp, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Với họ, học và làm theo Bác đã trở thành nhu cầu tự thân, là thói quen công việc hằng ngày.
Lặng lẽ cống hiến
Ở xóm Đầm Mụ, xã Bình Thuận (Đại Từ), nhiều người nhắc đến ông Trần Quang Hiền như một tấm gương về sự cống hiến thầm lặng. Ông Hiền năm nay 84 tuổi, tham gia quân ngũ từ khi lên 16, từng bị địch bắt và giam tại nhiều nhà tù ở Nam Định, Hải Phòng và Khánh Hòa. Trở về địa phương, ông tham gia ở nhiều vị trí khác nhau như Đội trưởng đội sản xuất, Xã đội trưởng, sinh hoạt ở Chi hội Nông dân, Hội Người cao tuổi. Từ năm 2004 đến nay, với vai trò là Trưởng Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Đại Từ, ông Hiền đã tích cực chăm lo chế độ chính sách cho các đồng đội. Hôm chúng tôi đến, phải chờ đến trưa muộn mới thấy ông đi thăm thành viên ốm ở xã Minh Tiến cách nhà hơn 20km về, chiếc xe máy cà tàng của ông lấm lem bùn đất. Vừa gột rửa đôi dép, ông bảo: Các thành viên hầu hết đều cao tuổi, lại là thương binh nên thường xuyên đau ốm. Trách nhiệm của Trưởng ban là phải tận tình thăm hỏi, động viên mọi người.
Không dừng lại ở việc thăm hỏi, những năm qua ông Hiền đã trực tiếp đi xác minh, lo giấy tờ giúp hàng chục cựu chiến binh được hưởng chế độ chính sách. Ông kể: Lần gần đây nhất, tôi bắt xe khách vào Thanh Hóa để xác minh cho ông Lữ Trọng Thể. Ông Thể bị địch bắt giam ở nhà tù Cam Ranh (Khánh Hòa) nhưng đã mất hết giấy tờ, nhờ có ông Hiền cùng bị giam xác minh và làm chứng nên đến nay đã được hưởng chế độ theo quy định. Trong Ban liên lạc, ông Hiền cũng trực tiếp xác minh và làm chế độ cho hàng chục thành viên trên địa bàn huyện. Chúng tôi hỏi có khi nào ông nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi? Ông cười hiền: Vẫn còn rất nhiều đồng đội phải chịu thiệt thòi và gặp khó khăn, nên tôi sẽ còn làm việc khi còn sức khỏe.
Ông Đàm Quang Vinh, hội viên Chi hội Nông dân xóm Quang Trung 2, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) cũng được biết đến là người hết lòng với công việc tập thể. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn gương mẫu thực hiện, đồng thời vận động con cháu đóng góp cho địa phương khi triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Còn nhớ năm 2012, khi đổ bê tông 300m đường đầu tiên, xóm Quang Trung 2 gặp khó khăn không nhỏ do khối lượng phải san gạt mặt bằng rất lớn. Nhà có máy xúc, ông Vinh đã tình nguyện hỗ trợ xóm phần việc này với tiền công chỉ bằng một nửa (hơn 20 triệu đồng). Trong các năm 2013 và 2015, ông cùng một số gia đình đối ứng trước gần 70 triệu đồng và tiếp tục hỗ trợ san gạt mặt bằng để đổ bê tông thêm 600m đường. Khi xóm làm sân vận động, ông Vinh đã cùng các con dùng máy xúc và xe tải san lấp, vận chuyển hơn 6.000m3 đất mà chỉ lấy tiền dầu. Năm 2015, xóm làm nhà văn hóa, gia đình ông cũng ủng hộ 5.000 viên gạch, cùng cát và xi măng với tổng trị giá trên 20 triệu đồng. Chia sẻ về những việc đã làm, ông Vinh nói: “Kinh tế gia đình giờ đã khấm khá hơn, tôi thấy mình có trách nhiệm phải đóng góp cho cộng đồng. Suy cho cùng, có đường hay nhà văn hóa khang trang thì gia đình và con cháu mình cũng được hưởng lợi”.
Cùng với ông Hiền, ông Vinh, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều những cá nhân điển hình tự nguyện làm việc, góp sức mình cho tập thể. Đó là ông Vũ Văn Thế, ở xóm Nà Tấc, xã Lam Vỹ (Định Hóa) đã hỗ trợ xóm hơn 100 triệu đồng để làm đường giao thông; gia đình ông Đào Hỏa Hồng, xóm Tiền Phong, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng khi xóm có chủ trương làm đường vẫn tự nguyện hiến 400m2 đất vườn; anh Trần Văn Dũng, Trưởng xóm Bắc Hà, xã Mỹ Yên (Đại Từ) đầu tư hơn 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống bóng điện chiếu sáng dọc các tuyến đường chính của xóm, giúp người dân đi lại thuận lợi… Mỗi người một công việc, nhưng họ có điểm chung là luôn đặt lợi ích tập thể lên trên quyền lợi cá nhận của mình.
Góp sức từ những hành động nhỏ
Với nhiều người chúng tôi đã từng gặp, niềm hạnh phúc đơn giản là được cống hiến, giúp đỡ sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên là những người như vậy. Với hơn 100 thành viên chính thức và đội ngũ tình nguyện viên đông đảo, mỗi năm CLB hiến được từ 600-800 đơn vị máu, kịp thời cứu sống nhiều người bệnh trong tình trạng nguy cấp. Vốn là người có thể trạng yếu, nhưng Trần Hoàng Hải, sinh viên Khoa Bác sĩ đa khoa lại là thành viên rất tích cực và đã có gần chục lần tham gia hiến máu. Với Hải, hiến máu cứu người là hành động đẹp, thế hệ trẻ, nhất là sinh viên phải có trách nhiệm và bổn phận thực hiện. Còn đối với Nguyễn Võ Lộc, sinh viên Khoa Bác sĩ đa khoa thì mỗi lần hiến máu cứu người là một niềm vui. Lộc chia sẻ: Nhiều năm tham gia CLB, em thấy mọi người đều rất nhiệt tình, luôn cố gắng để được kết nạp là thành viên chính thức chỉ đơn giản là được đóng góp và cống hiến nhiều hơn. Chúng em mong muốn xây dựng CLB lớn mạnh, để dòng máu nhiệt huyết tuổi trẻ sẽ cứu giúp ngày càng nhiều hơn những người bệnh.
Góp sức từ những hành động nhỏ cũng là tiêu chí của phong trào “Đàn gà khăn quàng đỏ” đã và đang phát triển mạnh mẽ ở huyện Phú Bình. Tính đến nay, các trường tiểu học và THCS trên địa bàn đã trao tặng được gần 200 đàn gà giống cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Anh Dương Quang Thủy, cán bộ Huyện đoàn Phú Bình thông tin: Chúng tôi vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các em học sinh có thể bớt chút tiền ăn sáng để ủng hộ 1-2 nghìn đồng hoặc thông qua phong trào “kế hoạch nhỏ” để xây dựng quỹ. Nhiều tấm lòng dù nhỏ bé góp lại sẽ trở thành món quà ý nghĩa cho những hoàn cảnh khó khăn. Phong trào cũng nhằm mục đích giáo dục các em học sinh tinh thần đoàn kết, sẻ chia. Còn với những học sinh nghèo, “Đàn gà khăn quàng đỏ” thực sự là món quà ý nghĩa. Em Trần Thị Ánh, học sinh Trường THCS Nhã Lộng cho biết: Mẹ em bị ung thư máu nhiều năm nên gia đình rất khó khăn.Từ khi được nhận đàn gà 20 con do Liên đội trường trao tặng, em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, đàn gà đã lớn, em giữ lại những con gà mái, còn gà trống thì bán lấy tiền mua quần áo và đồ dùng học tập.
Sự chia sẻ dù nhỏ như phong trào “Đàn gà khăn quàng đỏ” cũng thật đáng quý, nhiều người cùng chung tay sẽ tạo nên sức mạnh lớn lao. Có một điểm chung ở những tập thể, cá nhân chúng tôi đề cập trong bài viết này là họ đều đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân và luôn sống vì cộng đồng. Những đóng góp của họ đã được ghi nhận bằng nhiều Bằng khen, Giấy khen của chính quyền các cấp nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Chia sẻ của anh Trần Văn Dũng, Trưởng xóm Bắc Hà, xã Mỹ Yên (Đại Từ) cũng là suy nghĩ chung của nhiều người: “Khi bỏ tiền làm đường điện chiếu sáng cho xóm, tôi không mong được nhiều người biết đến hay cấp trên khen thưởng, đó đơn giản chỉ là xuất phát từ suy nghĩ của bản thân rằng mỗi người cần đóng góp một chút để tập thể, cộng đồng vững mạnh hơn”.