Liên kết đào tạo nghề theo đơn đặt hàng

17:54, 13/04/2016

Những năm qua, việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã góp phần giúp các cơ sở đào tạo nghề giải quyết việc làm cho hàng nghìn học viên sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp có được nguồn lao động như mong muốn.

Tìm hiểu về ý nghĩa của việc tăng cường liên kết, hợp tác giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, chúng tôi đến lớp học nghề của một số cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Tại lớp học nghề may của Trung tâm Dạy nghề Thanh niên Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên), từ khi Trung tâm triển khai đào tạo nghề theo hợp đồng của các doanh nghiệp vào năm 2011, ngoài nội dung đào tạo của Trung tâm đã được phê duyệt, học viên còn thường xuyên được các nhà tuyển dụng tương lai chia sẻ và giảng dạy nhiều kiến thức, đưa vào thực tập tại nhà máy sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhờ cách làm này, mỗi năm, Trung tâm đã thu hút nhiều học viên và giải quyết việc làm cho gần 300 người lao động, đạt 90% kế hoạch.

 

Là học viên của lớp nghề may theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG với Trung tâm Dạy nghề Thanh niên Thái Nguyên năm 2015, chị Vũ Kim Anh ở xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình cho biết: Nhờ hình thức đào tạo liên kết, ngoài những kiến thức căn bản về nghề, chúng tôi còn được giảng dạy và thực hành thành thạo những kỹ thuật cắt may theo tiêu chuẩn của Công ty TNG như may áo Jacket, Coat (áo khoác ấm) xuất khẩu. Vì thế, chúng tôi bớt đi tâm lý bỡ ngỡ khi thử việc và nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu về tay nghề.

 

Cũng là học viên tốt nghiệp lớp học nghề may nhưng theo chương trình đào tạo liên kết với Công ty May mặc Panko, năm 2015, anh Bùi Tuấn Minh ở thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương phấn khởi: “Theo học nghề, học viên được đội ngũ giảng viên tận tình hướng dẫn nâng cao tay nghề và được Công ty hỗ trợ một phần tiền học phí, ăn trưa và đi lại, giúp người học phấn khơi và gắn bó với việc học. Bà Ma Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh niên Thái Nguyên cho biết: “Vào quý 1 hăng năm, Trung tâm bắt đầu triển khai khảo sát nhu cầu tuyển dụng và ký hợp đồng với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, định hướng và tuyển sinh người lao động học nghề theo hợp đồng. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, Trung tâm mở 35 lớp học nghề, đáp ứng kịp thời 7.000 lao động qua đào tạo trên các lĩnh vực như may công nghiệp, nghề điện, cơ khí… cho doanh nghiệp”.

 

Còn đối với Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên (T.X Phổ Yên), việc đào tạo nghề theo địa chỉ, đơn đặt hàng của doanh nghiệp không chỉ cho thấy đây là mô hình đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mà còn là giải pháp góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bởi lẽ, với thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hẹp đất nông nghiệp nhằm phát triển công nghiệp tại các địa phương của thị xã Phổ Yên thì việc đào tạo và giải quyết việc theo hướng tuyển dụng của doanh nghiệp là rất cần thiết. Nhận thức được điều đó, những năm qua, Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đã bám sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, liên kết với doanh nghiệp lớn như Công ty Điện tử Samsung, Công ty Hansol Electronics… đào tạo nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.

 

Là một trong số 70 học viên tốt nghiệp lớp Trung cấp nghề điện công nghiệp, năm 2015, và được nhận vào làm việc tại Tổ kỹ thuật của Công ty Điện tử Samsung, anh Trần Văn Hoàng, ở xã Nam Tiến chia sẻ: “Qua tư vấn tuyển sinh, tôi đã chọn học nghề điện theo chương trình đào tạo liên kết với Công ty Điện tử Samsung. Do đáp ứng đủ điều kiện, sau khi tốt nghiệp, tôi cùng với nhiều học viên khác đã được nhận vào làm việc ngay, với mức thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/tháng. Vì thế, việc học nghề theo yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là hướng đi giải quyết việc làm hiệu quả đối với lao động nông thôn…”.

 

Đánh giá về mô hình này, ông Mông Quốc Dũng, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, các cơ sở đào tạo nghề đã và đang tiếp tục triển khai liên kết đào tạo nghề theo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Việc liên kết này vừa thu hút được học viên vừa góp phần giúp người lao động tìm được việc làm tại các doanh nghiệp. Thời gian tới, các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… tư vấn, định hướng nghề nghiệp; kết hợp đưa thông tin của thị trường lao động bằng nhiều hình thức trong quá trình đào tạo nghề; nhằm thu hút đông học viên và góp phần kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn”.