Toàn tỉnh hiện có trên 188 nghìn công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó riêng công nhân thuộc Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên lên đến trên 64.000 người. Công nhân lao động ngoại tỉnh chiếm 60% (riêng Samsung số lao động ngoại tỉnh chiếm hơn 80% trên tổng số lao động trong Công ty). Bên cạnh khó khăn do cường độ lao động cao, thiếu nhà ở thì vấn đề nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân... là những vấn đề bức thiết đang đặt ra.
Nỗi buồn sau giờ tan ca
5 giờ sáng, sau giờ tan ca đêm giữa những ngày đầu hè oi ả, tôi theo Đặng Thị Cúc, công nhân Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên về khu nhà trọ ở tổ 21, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Trên đường về, Cúc ghé vào cửa hàng tạp hóa đầu ngõ mua vội mấy gói mỳ tôm, một ít rau cải. Đây là bữa sáng của Cúc trong phòng trọ. Vừa nấu mỳ tôm, Cúc vừa chia sẻ về cuộc sống gia đình, công việc với chúng tôi. Khi nói về đời sống văn hóa, tinh thần, Cúc ngậm ngùi: “Nhiều lúc em không muốn về phòng trọ đâu chị ơi. Đi làm đứng máy suốt 8-10 tiếng. Dịp nào tăng ca thì tới 12 tiếng/ngày. Tan ca, muốn đi chơi đâu đó hoặc tham gia hoạt động văn hóa giải trí nhưng lại mệt mỏi, nên về đến phòng trọ em chỉ ăn gì đó cho qua bữa, tắm giặt rồi leo lên giường ngủ như chết. Ngày nào cũng vậy chị ạ, cũng vì cuộc sống mưu sinh nên em cố làm, tằn tiện 1-2 năm nữa có chút vốn về quê làm ăn”. Được biết quê Cúc ở xã Tràng Xá (Võ Nhai). Học hết, THPT, Cúc lấy chồng rồi sinh liền mạch 2 đứa trẻ. Cuộc sống ở quê quá khó khăn, Cúc xin vào làm công nhân ở Công ty Samsung mong kiếm được đồng ra đồng vào nuôi con. 1 tuần chỉ được nghỉ 1 ngày, Cúc lại vội vàng phóng xe máy về thăm chồng con. Rồi tất tưởi xuống thành phố để đi làm cho kịp ca của tuần mới. Liếc qua căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 nơi Cúc ở, chúng tôi nhận thấy ngoài chiếc giường, chiếc bàn nhỏ dùng để kê bếp ga du lịch là vài vật dụng phục vụ sinh hoạt. Phòng trọ không có ti-vi, sách báo càng không.
Ở cạnh phòng trọ với Cúc là Trần Văn Hảo, quê ở xã Trực Tuấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cũng là công nhân Công ty Điện tử Samsung Thái Nguyên. "Đi làm từ sáng đến tối muộn mới về nên chẳng bao giờ chúng em nghĩ tới đi chơi, giao lưu với bạn bè, chuyện giải trí, văn hóa tinh thần thì lại càng không. Nhiều lúc em nghĩ mình như cái máy không hơn, không kém chị ạ". Hảo nói rồi giơ chiếc điện thoại và chỉ vào chiếc máy tính để bàn nói: "Giải trí của bọn em là mấy trò chơi điện tử trong này chị ạ".
Đi quanh mấy khu nhà trọ ở phường Thịnh Đán, Tân Lập (T.P Thái Nguyên) vào buổi tối cuối tuần, chúng tôi gặp nhóm công nhân nữ của Công ty TNHH Glonics Việt Nam đang xúm vào chọn quần áo giá rẻ bán tại vỉa hè. Nguyễn Phương Thảo, nhà ở Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết: “Buổi tối tan ca ở khu trọ không biết làm gì, mấy chị em rủ nhau đi xem áo quần cho vui. Hôm nào có lương thì chị em rủ nhau đi hóng mát trà đá, ăn ốc. Đời sống tinh thần công nhân chỉ vậy thôi chị à”.
Trao đổi cùng chúng tôi, bác Nguyễn Thị Lĩnh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 21, phường Thịnh Đán cho biết thêm: “Tổ có 117 hộ thì có tới trên 50 hộ kinh doanh nhà trọ, với tổng số trên 300 phòng ở. Người đến thuê trọ ở đây chủ yếu là công nhân Công ty Samsung và công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và sinh viên các trường trong khu vực. Ngày xưa khi công nhân chưa đến nhiều, người trọ chủ yếu là sinh viên, buổi tối khu phố ồn ã lắm, vì các cháu còn trẻ nên hay tổ chức sinh nhật, hát hò, ăn nhậu. Từ khi lực lượng công nhân lao động vào ở đông thì tình trạng này giảm hẳn. Công nhân họ đi làm theo ca kíp, làm xong về họ chỉ nấu ăn rồi đi ngủ để có sức khỏe tiếp tục đi làm. Xóm có tổ chức hoạt động gì họ cũng không thể tham gia được vì liên quan đến công việc”.
Phường Thịnh Đán là 1 trong những phường trọng điểm lực lượng công nhân các khu công nghiệp thuê ở. Theo Thiếu tá Ma Đình Trường, Trưởng Công an phường: “Toàn phường có trên 400 hộ kinh doanh phòng trọ với trên 4.200 phòng trọ. Riêng lượng công nhân Công ty Điện tử Samsung ở chiếm trên 50%. Thực trạng đời sống tinh thần của công nhân đang rất nghèo nàn. Nhiều người chung phòng cho tiết kiệm, vì người đi làm ca ngày đêm về ngủ, ngược lại người làm ca đêm ngày về ngủ. Phòng trọ không có ti-vi, đài, không Internet, báo chí... Thiết bị điện tử duy nhất là chiếc điện thoại di động, ai có điều kiện thì có thêm máy tính”.
Theo số liệu khảo sát của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 4,1 nghìn khu nhà trọ, tập thể với khoảng 35 nghìn phòng trọ, gần 30 nghìn người đang ở trọ trong đó tập trung chủ yếu trên các địa bàn: T.P Thái Nguyên có 2.396 nhà trọ, 4 Khu tập thể, với 20.550 phòng trọ đang có 10.783 người sinh sống trong đó 8.552 là công nhân lao động với 439 cặp vợ chồng, 415 trẻ em; T.P Sông Công có 109 nhà trọ với khoảng 858 phòng trọ; thị xã Phổ Yên có 1.513 nhà trọ, 12.683 phòng với khoảng 16.121 người ở trọ... Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và bố trí nhà ở cho công nhân lao động với tổng lưu lượng được trên 20 nghìn người. Giá thuê phòng trọ mỗi tháng dao động từ 350.000 đồng đến 500.000 đồng, phòng khép kín từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng. Bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều phòng trọ xây dựng cách đây 10 năm chưa đảm bảo chất lượng. Nhìn chung các nhà trọ nóng về mùa hè, ẩm thấp về mùa mưa tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, nội thất không gian phục vụ sinh hoạt còn thiếu thốn như: Thiếu các phương tiện thông tin nghe nhìn giải trí như tivi, sách báo chủ yếu người lao động tiếp cận thông qua hệ thống Internet, máy tính cá nhân, điện thoại. Các chủ nhà trọ tận dụng tối đa các khu đất để xây phòng thu tiền nên không gian sinh hoạt trật hẹp, thiếu cây xanh và khu vui chơi văn hóa thể thao nếu người lao động có nhu cầu phải đến các điểm dịch vụ trên địa bàn.
Đời sống vật chất thiếu thốn, tinh thần nghèo nàn, cường độ lao động căng thẳng, cộng với trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận công nhân còn hạn chế là những yếu tố dễ đẩy công nhân lao động vào lối sống không lành mạnh, dễ bị một số phần tử xấu lôi kéo, kích động dẫn đến những vụ đình công tập thể, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và trật tự an ninh tại địa phương.
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Những năm gần đây, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho CNVCLĐ được các cấp công đoàn chú trọng đẩy mạnh. LĐLĐ tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc khảo sát đời sống người lao động, thực trạng các khu tập thể, nhà trọ. Ban Chỉ đạo đã tiến hành họp và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc. Việc khảo sát nhà trọ và đời sống CNVCLĐ được tập trung triển khai tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình. Qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến, đề xuất của công nhân để tổ chức công đoàn cùng doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ. LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn ngành, công đoàn khu công nghiệp, LĐLĐ huyện, thành, thị tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, hội thao, hội thi, các hoạt động giao lưu kết nghĩa với đơn vị, hỗ trợ xây dựng mái ấm công đoàn... để công nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và thư giãn sau mỗi giờ làm việc.
Trước thực trạng trên, nhằm tiếp tục thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị số 52-CT/TW, 09-01-2016 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lănh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất” và Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; trong thời gian tới, các cấp công đoàn tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, pháp luật cho công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, tích cực tham mưu với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư các thiết chế văn hóa, kinh phí để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút, huy động nguồn lực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp cần có cơ chế chính sách, nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhà văn hóa công nhân, các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ mẫu giáo dành cho CNVCLĐ và con em CNVCLĐ ở các khu công nghiệp để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp; nâng cao tiền lương và thu nhập cho công nhân lao động; vhăm lo phát triển nhà ở cho công nhân lao động.