Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên

08:34, 15/04/2016

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - Bắc Thái, hàng vạn con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái lên đường ra trận.

Với nhiều nhiệm vụ khác nhau, họ đã có mặt ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, non sông Việt Nam thu về một mối, hòa bình được lập lại, người mất người còn. Có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, có người để lại một phần máu thịt trở thành các thương, bệnh binh. Một số người may mắn lành lặn, nhưng những người trở về từ vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học thì phần đông bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin và trở thành nạn nhân của loại chất độc đó. Theo khảo sát bước đầu, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 20.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, bao gồm cả thế hệ bố mẹ và con cháu họ.

 

Thể theo nguyện vọng của đông đảo nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh đã được thành lập ngày 17-4-2006. Ngày 22-8-2006, Hội đã tổ chức Đại hội thành lập Hội và chính thức ra mắt hoạt động. Qua 10 năm xây dựng, hoạt động, Hội đã đạt được nhiều thành tích trên tất cả các mặt. Tổ chức Hội đã được thành lập ở 100% đơn vị hành chính từ tỉnh đến tổ dân phố, thôn, bản; bao gồm 9/9 hội cấp huyện, thành, thị; 180/180 hội xã, phường, thị trấn; 1.052 chi hội tổ dân phố, thôn, bản. Các cấp hội thường xuyên được kiện toàn về số lượng và chất lượng, hoạt động có nền nếp, đúng Điều lệ và hiệu quả, xứng đáng là chỗ dựa cho hội viên, được Trung ương Hội và cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, đánh giá cao.

 

Năm 2011, Hội đã thành lập Quỹ NNCĐDC/đi-ô-xin. Năm 2014, Hội đã tham mưu và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm cho sáp nhập Quỹ Bảo trợ NNCĐDC vào Quỹ NNCĐDC/đi-ô-xin và giao cho Hội huy động, quản lý, sử dụng giúp đỡ các nạn nhân. Để công tác vận động nguồn lực đạt kết quả tốt, Hội thường xuyên đổi mới phương pháp vận động, như: Mở rộng địa bàn vận động ra ngoài địa phương mình, kể cả nước ngoài. Mở rộng đối tượng vận động đến các tổ chức, cá nhân có điều kiện kinh tế, nhất là người Thái Nguyên thành đạt ở mọi nơi, Hội đồng hương Thái Nguyên ở các tỉnh, thành phố; các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm, nhà chùa... Kết quả đã có nhiều tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gửi tiền ủng hộ với số tiền lên đến trên dưới 300 triệu đồng cho một nạn nhân. Trong điều kiện đặc biệt khó khăn, số tiền ấy vô cùng có ý nghĩa với gia đình nạn nhân. Từ sự nỗ lực chung của các cấp Hội, với sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh nên trong những năm qua NNCĐDC trong tỉnh đã nhận được số tiền và vật chất quy ra tiền trị giá trên 34,9 tỷ đồng.

 

Hội đã có nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, phân loại mức độ khó khăn và nắm vững nhu cầu cần giúp đỡ của từng nạn nhân. Qua đó thực hiện nhiều hình thức giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn như: Thăm hỏi, tặng quà dịp lễ tết, hỗ trợ làm nhà mới và sửa nhà, hỗ trợ vốn sản xuất xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nạn nhân điều trị bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ sách giáo khoa và học bổng cho con nạn nhân, tặng xe lăn, máy trợ thính...

 

Phát huy những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, thời gian tới, toàn thể cán bộ, hội viên của Hội ra sức thi đua lập nhiều thành tích thiết thực để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh lần thứ II, Nghị quyết Đại hội Hội NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Các hoạt động của Hội tập trung vào việc chăm lo, giúp đỡ hội viên vơi bớt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên; tổ chức Hội xứng đáng là chỗ dựa cho các NNCĐDC.