Cũng giống như nhiều người trong cuộc đời bình dị, họ sống gần gũi, thân thiện. Song họ mang trong lòng bầu huyết nóng, luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Khi được thấy những người quanh mình hạnh phúc, họ coi đó là niềm vui của cuộc đời mình.
Ông Đinh Công Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh T.P Thái Nguyên đưa chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Duy Quyết, tổ 8, phường Phan Đình Phùng. Từ lâu, ngôi nhà của vợ chồng ông Quyết được các cựu chiến binh và nhiều thân nhân liệt sĩ qua lại, coi đó như một điểm hẹn để cùng nhau sẻ chia những vui, buồn trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị La, vợ ông Quyết bảo: Trong nhà tôi có 3 thế hệ cùng ở, đầm ấm, hoà thuận.
Sau khi pha ấm trà mới cho chồng mời khách, bà La lại tíu tít, bận rộn với các cháu nội, ngoại của mình. Còn ông Quyết bận rộn với giấy tờ, với những câu chuyện mang đầy ký ức về một thời đạn lửa. Được biết, trong suốt 30 năm qua, ông Quyết đã ngồi viết gần 2.000 lá thư gửi cho thân nhân liệt sĩ. Ông thực hiện hơn 40 hành trình trở lại nơi đồng đội nằm lại tại mặt trận miền Nam và Campuchia. Ông phát hiện gần 100 khu mộ đồng đội nơi rừng sâu để báo cho đơn vị chức năng quy tập. Qua ông, hơn 400 gia đình liệt sĩ tìm được di cốt; gần 1.000 liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang và được người thân đón về quê hương. Ông tâm sự: Có thêm một đồng đội cũ được trở về gần với gia đình, tôi thấy mình đáng sống hơn.
Ông Nguyễn Trọng Hợp, xóm Tân Mỹ 1, xã Tân Quang (T.P Sông Công) tâm sự: So với nhiều đồng đội, tôi là người hạnh phúc hơn là được trở về với gia đình, được tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội… Tôi biết, để có được cuộc sống hạnh phúc như hôm nay, ông Hợp đã luôn phải chiến đấu với chính mình, vì ông là một thương binh, là nạn nhân chất độc da cam, vợ đau yếu quanh năm, 3 trong 4 người con là nạn nhân chất độc da cam, nhưng bằng tình thương yêu, sự san sẻ, giúp đỡ nhau cùng vượt lên đau đớn bệnh tật, ông cùng các thành viên trong gia đình đã tạo dựng được một gia đình hạnh phúc.
Ông Dương Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: Đau đớn thể xác, tinh thân không quật ngã được ý chí vươn lên của người cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hợp. Ông tích cực động viên người thân và bà con chòm xóm chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng tham gia đóng góp xây dựng công trình cơ sở hạ tầng tại địa phương. Ông được Thủ tướng Chính phủ; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Thái Nguyên… tặng nhiều Bằng khen.
Yêu thương và chia sẻ chính là nền tảng cho gia đình ông Hợp, và mọi gia đình trong xã hội được hạnh phúc. Trường hợp gia đình ông Trần Thanh Sơn, xóm Phú Mỹ, xã Lương Phú (Phú Bình) cũng không nằm ngoài nền tảng truyền thống đẹp của gia đình. Ông Sơn cho biết: Gia đình tôi có 4 thành viên (2 vợ chồng và 2 con). Các thành viên trong nhà biết chia sẻ, giúp đỡ nhau. Gia đình có nếp sống giản dị, luôn quan tâm đến mọi người trong cộng đồng dân cư, thường xuyên giúp đỡ mọi người về vốn, giống phục vụ sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm giữ đạo vợ chồng, cách nuôi, dạy con cái. Vì thế, gia đình tôi được nhân dân trong vùng quý mến, nhiều năm liên tục suy tôn đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu.
Những ngày đầu tháng 4, mưa bụi gọi lộc biếc đầy cành, chúng tôi lên Thủ đô gió ngàn Định Hoá, đến xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu, thăm gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, 1 trong 20 gia đình được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2010-2015. Ông Sáng cho biết: Gia đình tôi có 3 thế hệ đang cùng chung sống hoà thuận, bình đẳng, trong nhà không có bạo lực, mọi người thương yêu, chỉ bảo nhau gìn giữ nền nếp gia phong. 15 năm nay, gia đình tôi liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu, được Hội Người cao tuổi huyện khen thưởng danh hiệu “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
Với vai trò của 1 Trưởng xóm (từ năm 2003 đến nay), ông Sáng luôn là người năng động, hăng hái vận động nhân dân tham gia các phong trào xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá, xóm văn hoá, tuyên truyền cho mọi người tránh xa các tệ nạn xã hội. Ông Sáng tâm sự: Hạnh phúc gia đình có ở ngay trong lòng mình. Quan trọng là mỗi người cần biết gìn giữ, phát huy, để hạnh phúc ấy được nhân lên mỗi ngày trong cộng đồng xã hội.
Hạnh phúc không phải là thứ mua bán được, mà bằng sự gày dựng từ bản thân mỗi người. Ông Hoàng Văn Mùi, xóm người Mông Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) tâm sự: Cuộc sống của bà con trong xóm Khe Cạn còn nhiều khó khăn, ngay bản thân tôi cũng chưa dư dả nhiều, song tôi luôn động viên vợ con mình biết chia sẻ với mọi người những gì có thể, như việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm chi tiêu trong gia đình, vận động bà con xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, tích cực lao động sản xuất, làm giàu cho mình và xã hội… Trong xóm có thêm một người thoát nghèo, là tôi thấy mình có thêm một niềm hạnh phúc mới.
Chúng tôi biết, từ nhiều năm nay, ông Mùi liên tục được UBND huyện Đồng Hỷ khen thưởng là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Đặc biệt 10 năm gần đây, gia đình ông liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu cấp tỉnh… Còn nhiều nữa những tấm gương sáng giữa đời thường. Đó là những con người bình dị, biết yêu thương, biết sẻ chia và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người trong điều kiện có thể. Vì thế, họ là những người hạnh phúc.