Sau những cuốn nhật ký: Mãi mãi tuổi 20, Đặng Thuỳ Trâm, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân... mọi người lại biết thêm một cuốn nhật ký nữa “Thế hệ Hồ Chí Minh” của liệt sĩ Lê Thị Thiên. Qua những dòng nhật ký của những liệt sĩ trẻ tuổi, chúng ta càng thêm trân quý những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho cách mạng...
Ông Mai Văn Lâm, Bí Thư Đảng uỷ xã Mỹ Phước Tây: Từ lúc xác định được chị Lê Thị Thiên là tác giả của cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” và được Báo Bình Dương công bố vào năm 2012, ngôi nhà nhỏ ở quê hương ấp Bà Bèo – nơi thờ tự chị Lê Thị Thiên thường xuyên được các đoàn học sinh, sinh viên tìm đến thắp hương, tưởng nhớ nữ liệt sĩ. |
Những ngày tháng 4, khi miền Bắc vẫn còn đón nhận những đợt lạnh cuối mùa thì ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, nắng như đổ lửa. Miền Tây đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Dù vậy, mong muốn được tri ân với những người Anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc vẫn thắp sáng trong lòng mỗi người dân nơi đây. Có lẽ đây là lời giải thích vì sao, ngày Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tiền Giang phối hợp với Báo Bình Dương tổ chức Lễ động thổ xây dựng Nhà Lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên (ngày 2-4-2016) tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) lại đông như trẩy hội. Theo ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Tiền Giang, Lễ quyên góp xây dựng Nhà Lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên được phát động từ tháng 7-2015. Đến tháng 4-2016 đã quyên góp được từ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên trong Ngành số tiền gần 880 triệu đồng để xây dựng công trình. Ngoài ra, một số doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ thêm để xây dựng bổ sung các hạng mục khác của công trình.
Bà Nguyễn Thị Sáu, 71 tuổi, ở ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây - bạn thân thời nhỏ của chị Thiên: Liệt sĩ Lê Thị Thiên không chỉ là phụ nữ đẹp người, đẹp nết mà còn có lòng nhân ái, bao dung, yêu quê hương, đất nước. Tôi rất tự hào vì có một người bạn như liệt sĩ Lê Thị Thiên. |
Trong ngày lễ khởi công Nhà Lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên, bà con trong ấp, trong xã đến dự đông vui lắm. Ông Mai Văn Lâm, Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ Phước Tây tự hào: Chị chính là tác giả của Cuốn nhật ký có tựa đề “Thế hệ Hồ Chí Minh” dày 35 trang đã bị chôn vùi trong lòng đất cách đây 50 năm mà mọi người vẫn quen gọi với tiếng gọi đầy thiêng liêng: “Kỷ vật từ lòng đất”.
Kỷ vật từ lòng đất
Năm 2012, ông Huỳnh Văn Sáng ở ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên (Bình Dương) đã trao cho Báo Bình Dương, với mong muốn tìm được chủ nhân của cuốn nhật ký có tựa đề “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Được biết, trước đó, ông đã tìm được cuốn nhật ký trong bọc ni lông, bị chôn vùi bên cạnh các hài cốt liệt sĩ trong khu mộ của gia tộc ông. Cuốn nhật ký dày 35 trang chứa đựng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp của một nữ chiến sĩ chưa rõ tên. Nhật ký ghi chép những năm tháng công tác, hành quân của tác giả trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1966, trên vùng đất Chiến khu Đ thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.
Dù bị chôn trong lòng đất đã 50 năm, nhưng nội dung cuốn nhật ký vẫn rõ ràng từng chữ. Tác giả cuốn nhật ký không nói rõ tên tuổi, quê quán của mình do phải giữ bí mật trong kháng chiến song nét chữ và nội dung trình bày thể hiện đây là một phụ nữ, xưng tên “M.” từng dạy học và có nhiều đoạn nhắc đến người thân quê ở Cần Thơ. Đặc biệt trong cuốn nhật ký có một số bài thơ và 6 tấm ảnh. Trong đó có tấm ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi còn nguyên vẹn. Một số tấm ảnh về chân dung một cô gái còn trẻ được phỏng đoán là tác giả cuốn nhật ký. Ngoài ra còn một số ảnh có thể là của người thân, đồng chí và đồng đội...
Từ cuốn nhật ký được tìm thấy ở ấp Xóm Đèn, Báo Bình Dương đã tổ chức chuyến truy tìm tác giả. Nhà báo Mai Thanh Phong, người trực tiếp tham gia truy tìm tác giả cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” cho hay: Đó là cả một hành trình vô cùng gian nan. Chúng tôi đã tìm đến rất nhiều tỉnh như Tây Ninh, Đồng Nai rồi Sài Gòn... nhưng đều thất bại. Nhiều khi chúng tôi thấy hành trình truy tìm như đi vào bế tắc. Nhưng bên cạnh sự kiên trì, lòng nhiệt huyết thì may mắn là yếu tố quan trọng giúp chúng tôi tìm đến được với thân nhân của liệt sĩ Lê Thị Thiên. Đó là khi chúng tôi tìm đến xã Mỹ Phước Tây. Tại đây, chúng tôi đã vô tình gặp cựu chiến binh Mai Văn Nghiêm. Vừa nhìn thấy bức ảnh chúng tôi cung cấp, ông Nghiêm đã nhận ra ngay người trong ảnh là chị Lê Thị Thiên (năm 1962, ở cương vị Bí thư Đoàn xã Mỹ Phước Tây, ông chính là người tổ chức cho chị Thiên và các thanh niên khác trong xã lên đường nhập ngũ). Rồi ông đưa chúng tôi tới ngôi nhà đang thờ tự liệt sĩ. Nhìn bức ảnh trên ban thờ liệt sĩ giống hệt với bức ảnh chúng tôi cầm trên tay, cả đoàn như vỡ òa trong niềm vui sướng, còn người thân của chị thì khóc trong hạnh phúc khi biết được nơi chôn cất và những kỷ vật của chị đang được nâng niu, trân trọng. Vậy là sau hơn hai tháng “mò kim đáy bể”, chúng tôi đã tìm được tác giả của cuốn nhật ký.
Từ đây, Báo Bình Dương đã trả về cho nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên một tiểu sử đẩy đủ. Chị sinh năm 1945, nhập ngũ, rời quê nhà (ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây) ngày 8-2-1962, vào bộ đội và được tiếp tục đi học văn hóa. Tháng 12, chị trở về một đơn vị thuộc miền Đông tiếp tục công tác và lúc này chị bắt đầu viết nhật ký. Đến tháng 5-1964, chị lên Trung ương Cục miền Nam học lớp sư phạm tại Trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2. Tốt nghiệp vào tháng 2-1965, chị trở lại chiến trường hoạt động và đến ngày 10-10-1966 (âm lịch) thì hy sinh. Liệt sĩ Thiên đã được tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba và truy tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Hai. Được biết, ba mẹ của chị Thiên là ông bà Lê Văn Như và Nguyễn Thị Hò, được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (nay đã mất). Anh Nguyễn Thanh Văn, người cháu gọi chị Thiên bằng dì hiện đang thờ cúng 2 liệt sĩ tại tại ấp Bà Bèo.
Những con người cùng chung lý tưởng
Đọc từng trang, từng trang trong cuốn nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của liệt sĩ Lê Thị Thiên, tôi lại nhớ đến lLiệt sĩ Vũ Xuân, người con của quê hương Thái Nguyên. Sinh năm 1946, năm 1963, sau hơn 10 năm đèn sách, anh rời xa mái trường Lương Ngọc Quyến, lên đường nhập ngũ, để lại bao kỷ niệm tuổi thơ trong sáng mà nhọc nhằn. Anh lên đường với một mục đích rõ ràng “Bàn giao nguyên vẹn giang sơn Việt Nam cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của chúng mình, của thế hệ thanh niên đang sống và chiến đấu chống Mỹ này...”. Ngày 13-5-1974, trong trận quyết chiến tiêu diệt đồn Kênh 2, huyện Gò Quao (Kiên Giang), anh đã dũng cảm hy sinh khi đang chiến đấu với quân thù.
Tuy hai liệt sĩ sinh ra ở hai miền Nam - Bắc, nhưng tôi thấy ở họ có những nét tương đồng: Cùng chung thế hệ và đều nhập ngũ vào năm 17 tuổi – cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người; đều hy sinh ở chiến trường miền Nam (liệt sĩ Lê Thị Thiên hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam bộ, liệt sĩ Vũ Xuân hy sinh ở chiến trường miền Tây Nam bộ).
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ khởi công Nhà lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên.
Những trang nhật ký của Vũ Xuân được viết từ một tâm hồn đa cảm, luôn hoà mình và cảm nhận đầy đủ mọi thay đổi của thiên nhiên. Bên cạnh những khốc liệt của cuộc chiến, qua những dòng nhật ký của anh, người đọc còn biết đến cơn giông mây đen gió cuốn mà không thể mưa nổi của sườn Tây Trường Sơn... cảnh sắc bốn mùa hè oi, đông rét... Liệt sĩ Lê Thị Thiên thì viết từng dòng nhật ký bằng lời văn giản dị, ngắn gọn, xúc tích. Tuy nhiên, cả hai cuốn nhật ký đều thể hiện tâm tư của người chiến sĩ Cộng sản luôn vững vàng trong chiến đấu, xây dựng niềm tin tươi sáng cho ngày mai, sự kiên định lập trường trong tư tưởng, sự dung dị của đời thường… Đặc biệt, cả hai cuốn nhật ký đều chứa đựng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và tình cảm trong sáng. Từ đó đã giúp tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về gia đình, quê hương của những chiến sĩ cách mạng mới 17 tuổi đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ, và hy sinh khi đang ở tuổi đôi mươi. Những dòng nhật ký của Vũ Xuân và Lê Thị Thiên như chắt lọc từ đáy lòng sâu thẳm, như trải ra với những lời yêu thương, khát khao cống hiến vĩnh viễn, là lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Sau những cuốn nhật ký: Mãi mãi tuổi 20, Đặng Thuỳ Trâm, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân... mọi người lại biết thêm một cuốn nhật ký nữa là nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của liệt sĩ Lê Thị Thiên. Qua những dòng nhật ký của những liệt sĩ trẻ tuổi, chúng ta càng thêm trân quý những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho cách mạng. Hôm nay và mãi mãi về sau, các anh, chị sẽ là tấm gương sáng soi đường cho lớp trẻ vững vàng bước vào tương lai.