Cùng với các ngành kinh tế, trong giai đoạn 2011-2015, đặc biệt là năm 2015, lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động - thương binh và xã hội đã có bước chuyển biến mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Năm 2016 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), các ngành thuộc khối văn hóa - xã hội tập trung tham mưu với tỉnh triển khai chiến lược phát triển thông qua những chương trình, đề án lớn. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn tiếp tục đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển của tỉnh…
Năm học 2015-2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chủ động tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, các bậc phụ huynh học sinh (HS), ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả khá toàn diện. Từ đó góp phần tô điểm vào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thêm những mảng màu tươi sáng.
Đổi mới toàn diện
Với phương châm “Lấy chất lượng để duy trì và phát triển số lượng”, trong năm học 2015-2016, ngành Giáo dục đã tập trung tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện nhóm các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy học, điều chỉnh chương trình học cho phù hợp với đối tượng HS ở các vùng, miền, cách kiểm tra, đánh giá HS. Đánh giá về kết quả năm học, PGS-TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Với kế hoạch rõ ràng cho từng cấp học và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đến thời điểm này, các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm học đã được hoàn thành xuất sắc…
Cụ thể, với cấp học mầm non, 100% các trường thực hiện đổi mới và chuẩn hóa nội dung dạy học. Đối với bậc tiểu học, ngành Giáo dục chỉ đạo các nhà trường tăng cường tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày. Hiện nay, tỷ lệ HS học 9-10 buổi/tuần chiếm trên 84%. Các trường đã tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học hướng vào mục tiêu: dạy thật, học thật, khách quan, công bằng, chính xác trong kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục nhân rộng mô hình trường học mới Việt Nam cho 2 cấp tiểu học và trung học. Nếu như năm học 2012-2013, Thái Nguyên có 16 trường nằm trong dự án và thì đến năm học 2015-2016 đã mở rộng thêm 62 trường. Giáo dục phổ thông thực hiện có hiệu quả theo quy định của Bộ GD&ĐT về chuẩn hóa nội dung theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.
Trao đổi cùng chúng tôi, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên khẳng định: Bắt nhịp với sự phát triển của thời đại, ngoài việc triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, từ năm học 2013-2014, Nhà trường đã tổ chức dạy thí điểm tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên. Năm đầu tiên, chúng tôi chọn 4 giáo viên của 4 bộ môn giảng dạy. Từ năm học 2014-2015 và năm học này, mỗi năm Nhà trường có 20 giáo viên dạy 5 môn khoa học tự nhiên áp dụng dạy song ngữ. Qua hơn 2 năm tổ chức dạy học chúng tôi nhận thấy đội ngũ giáo viên đã khắc phục nhiều khó khăn, nỗ lực tự học, tự rèn để có những giờ giảng tốt.
Chất lượng được nâng lên
Có thể nói, sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục trong năm học 2015-2016 diễn ra khá toàn diện trên các mặt, ở tất cả các cấp học, bậc học, các trường công lập và ngoài công lập, góp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn Ngành hiện có 672 trường (226 mầm non, 226 tiểu học, 187 THCS, 33 THPT). Hệ thống quy mô mạng lưới trường, lớp, các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường phổ thông dân tộc bán trú THCS được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đưa tỷ lệ HS dân tộc thiểu số được học các trường phổ thông dân tộc nội trú từ 2,6% năm 2010, lên 5,6% hết năm 2015. Công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học, bậc học tiếp tục được duy trì, củng cố và đạt kết quả cao. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của giáo dục mầm non chỉ còn 8%; tỷ lệ HS 11 tuổi tốt nghiệp tiểu học chiếm 97,2%. Trên nền chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đội ngũ HS giỏi. Kỳ thi chọn HS giỏi lớp 12 cấp tỉnh, trong số 3.190 HS THPT tham gia, kết quả có 1.564 em đoạt giải. Sau 2 vòng thi cấp tỉnh đã tuyển chọn được 90 HS vào 12 đội tuyển để tham gia kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia lớp 12. Trong đội tuyển có 58 HS lớp 12 và 32 HS lớp 11 thi vượt cấp chương trình lớp 12. Kết quả, trong số 90 HS dự thi, Thái Nguyên đạt 54 giải (10 giải Nhì, 21 giải Ba, 23 giải Khuyến khích). Đối với cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho HS trung học khu vực phía Bắc năm học 2015 - 2016, Thái Nguyên có 5/6 dự án tham gia đoạt giải (3 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích), đạt tỷ lệ 83%. Thành tích của các em HS đạt được là do sự nỗ lực cố gắng của mỗi cá nhân nhưng trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các thầy giáo, cô giáo đang âm thầm, bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao quý nhưng cũng vô cùng gian khó.
Chiến lược dài hơi
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu “Củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các bậc học; phấn đấu đến năm 2020 có 80% số trường đạt chuẩn Quốc gia; 8% số HS dân tộc thiểu số được học trong các trường dân tộc nội trú”. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu này, PGS-TS Phạm Việt Đức cho biết: Sở GD&ĐT đã tiến hành rà soát từ đội ngũ, đến cơ sở vật chất, các điều kiện dạy, học tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phát triển sự nghiệp giáo dục bằng các chương trình, đề án cụ thể đó là: Chương trình phát triển GD&ĐT giai đoạn 2016-2020; Đề án xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đề ra là xây dựng mới 5 trường THPT; xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên theo hướng hiện đại, chất lượng cao; mở rộng, nâng cấp 6 trường phổ thông dân tộc nội trú… Đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và phát triển các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT ngoài công lập. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Đến năm 2020, có 100% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định; 70% các trường từ mầm non đến phổ thông được đánh giá ngoài và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục từ cấp độ I trở lên. Công nhận mới 42 trường, nâng tổng số trường học đạt chuẩn Quốc gia lên 548 trường, đạt tỷ lệ 80,1% (hiện nay tỷ lệ này là 75,3%).
Được biết trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh kết hợp các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và nguồn xã hội hóa để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới trường, lớp học; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đổi mới nội dung dạy học, nhân rộng mô hình trường học mới ở cấp tiểu học và THCS… phấn đấu xứng đáng là trung tâm giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng.