Tính đến hết tháng 4-2016, toàn tỉnh ghi nhận 414 trường hợp mắc quai bị, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, năm nay, số ca biến chứng quai bị tăng mạnh, chu kỳ thời gian của dịch bệnh quai bị kéo dài hơn và bệnh trải rộng trên tất cả các nhóm tuổi. Trong khi quai bị là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì vấn đề phòng bệnh cần được đặt lên hàng đầu.
Theo thông tin từ Khoa bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên), từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận 75 trường hợp biến chứng của bệnh quai bị. Trường hợp nặng nhất là bệnh nhân T.H.T ở huyện Phú Lương nhập viện trong tình trạng viêm màng não do quai bị. Bệnh nhân T cho biết: Khi bị mắc bệnh quai bị, tôi đã chữa theo mẹo dân gian và tìm đến thầy lang để mua cao dán nhưng bệnh không khỏi. Đến khi bệnh trở nặng, tôi mới được người nhà đưa đến Bệnh viện để điều trị.
Bác sĩ Chuyên khoa II. Hoàng Thị Thư, Trưởng khoa ệnh Nhiệt đới thông tin: Một điều đáng lo ngại là trước đây, bệnh quai bị thường xảy ra ở trẻ em từ 5-6 tuổi, thì nay, độ tuổi của bệnh nhân đã trải rộng ở tất cả các độ tuổi. Chúng tôi đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân dưới 1 tuổi và bệnh nhân cao tuổi nhất là trên 70 tuổi. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, dịch bệnh quai bị kéo dài đến tận tháng 6, tháng 7 thay vì chỉ xảy ra vào mùa đông - xuân như trước đây và xuất hiện rải rác ở các tháng khác trong năm. Số ca biến chứng quai bị cũng có xu hướng tăng do người dân chủ quan với loại bệnh này. Năm 2015, Khoa bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 152 ca biến chứng quai bị, trong đó có khoảng 80-90% bị biến chứng viêm tinh hoàn, không ít trường hợp phụ nữ đã bị xảy thai so mắc quai bị trong quá trình mang thai.
Quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) do vi rút paramyxovius gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên. Tuy không phải bệnh quá nguy hiểm, nhưng quai bị thường dẫn đến một số biến chứng, như: viêm não, viêm màng nào, viêm tuỵ… và đặc biệt là viêm tinh hoàn dẫn đến vô sinh. Để phòng bệnh quai bị, biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vắc - xin phòng bệnh, để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời.
Hiện, ở nước ta có 2 loại vắc xin phòng bệnh quai bị là vắc xin quai bị và vắc xin sởi - rubella - quai bị. Tuy nhiên, lượng vắc xin phòng bệnh quai bị đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Do vắc xin phòng quai bị không nằm trong chương trình tiêm chủng bắt buộc nên người dân phải tự bỏ tiền nếu muốn tiêm loại vắc xin này (vắc xin tiêm phòng 3 bệnh sởi - rubella - quai bị có giá 195.000 đồng). Thời điểm hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là đơn vị duy nhất trong tỉnh tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị nhưng số lượng vắc xin được phân bổ về Trung tâm cũng rất ít. Vì vậy, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân đến tận nơi hoặc gọi điện hỏi về việc tiêm phòng quai bị nhưng Trung tâm không có đủ vắc xin. Cùng với đó, các Trung tâm y tế cấp huyện không chủ động được nguồn kinh phí để nhập vắc xin phòng quai bị hoặc nếu có dịch bệnh bùng phát, người dân có nhu cầu thì các Trung tâm này cũng không thể mua được do tình trạng khan hiếm vắc xin.
Do không có vắc xin phòng bệnh, nhiều người khi bị bệnh quai bị đã tìm đến các thầy lang hoặc tự ý mua thuốc, cao dán chữa bệnh. Theo Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: Việc làm này không những có thể khiến bệnh nặng thêm gây biến chứng mà còn khiến nguy cơ dịch quai bị bùng phát tại cộng đồng. Do thời gian ủ bệnh của bệnh quai bị khá dài (7 ngày), bệnh thường kéo dài trong 2-3 tuần nên nguy cơ lay lan trong cộng đồng là rất cao nếu như người dân không chú trọng phòng tránh. Vì vậy, khi có các biểu hiện của bệnh quai bị, như: nhức đầu, đau trước tai, khó nhai, sốt cao, sưng một bên má… người dân nên đến các cơ sở y tế khám và có những chẩn đoán chính xác nhằm xác định cách thức điều trị phù hợp đồng thời cần cách ly bệnh nhân để tránh bệnh lây lan.
Trong tình trạng thiếu hụt vắc xin phòng quai bị và thời kì bệnh quai bị có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, theo các chuyên gia, phương án tốt nhất hiện nay là tăng cường các biện pháp phòng bệnh, như: duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường sống, tiến hành khử trùng nơi ở…