Mùa mưa bão đang đến gần, để chủ động ứng phó với các tình huống do thiên tai gây ra, T.P Thái Nguyên đang tích cực chuẩn bị các điều kiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Năm 2016, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Thái Nguyên, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh không quá phức tạp. Tuy nhiên, với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, những hình thái khí tượng thủy văn cực đoan có thể xảy ra, diễn biến khó lường. Do đó, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, ngay từ đầu mùa mưa bão, T.P Thái Nguyên đã có công văn yêu cầu các xã, phường cần chủ động phòng, chống mưa lớn cục bộ, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất... có thể xảy ra.
Cam Giá là phường có dòng sông Cầu chảy qua với chiều dài khoảng 5km, có đê Gang Thép và công trình đập Thác Huống. Khi có lụt lớn, có thể làm úng ngập tới 90% diện tích lúa và cây màu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Hiện, phường đã xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão cụ thể, nhất là đối với các khu vực dễ xảy ra ngập úng, khu vực có nguy cơ sạt lở đất để có biện pháp phòng tránh với phương châm “Chủ động, an toàn, kịp thời, hiệu quả”. Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai phường Cam Giá cho biết: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB GNTT) của phường, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên phụ trách các khu dân cư và khu vực trọng điểm; cử cán bộ thường xuyên giữ chế độ trực theo quy định, khi có thông báo về áp thấp nhiệt đới, bão, tố lốc, mưa lớn... sẽ trực 24/24 giờ, theo dõi cảnh báo mực nước. Khi có báo động nước lũ cấp 2 trở lên sẽ có thông báo kịp thời cho các tổ dân phố có nguy cơ bị lụt để nhân dân chủ động sơ tán đến nơi an toàn.
Còn tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố (Trưởng Tiểu ban Tiền phương), cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng cứu khi lụt bão xảy ra đã được đơn vị chủ động chuẩn bị, gồm: 1 xe tải, 2 xuồng máy, 80 phao cứu sinh, 70 áo phao, 22 cuộn dây thừng và hàng trăm cuốc, xẻng, găng tay... Ngoài ra còn có dụng cụ cấp dưỡng, lương thực thực phẩm đảm bảo cung cấp đủ cho sở chỉ huy tiền phương và lực lượng tìm kiếm cứu nạn trong 7 ngày (tùy tình hình cụ thể có thể cấp tiếp). Trung tá Lưu Văn Vượng, Phó Chỉ huy trưởng, Thường trực Ban Chỉ huy Tiền phương thông tin: Vào mùa mưa bão, những khu vực nước lên cao, xuồng máy là phương tiện di chuyển quan trọng. Vì vậy, để đảm bảo cho phương tiện này vận hành tốt, Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo cho việc vận hành an toàn, hiệu quả. Ngoài lực lượng của ban Chỉ huy Tiền phương, Ban còn ký hợp đồng với 8 đơn vị quân đội của Quân khu và Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn tỉnh đề nghị chi viện lực lượng và phương tiện tham gia ứng cứu khi cần thiết.
Với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, Ban chỉ huy PCTT TKCN Thành phố từ nhiều năm nay luôn thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời, Ban yêu cầu UBND các xã, phường, Hạt quản lý đê chủ động kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình (cống tiêu, dọc hành lang các trục tiêu) làm ảnh hưởng đến việc tiêu úng, thoát lũ trên địa bàn; tích cực tuyên truyền về nguy cơ gây thiệt hại của mưa bão để người dân đề cao cảnh giác, sẵn sàng sơ tán người, tài sản đến vị trí an toàn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT TKCN thành phố, để đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn trong mùa mưa bão, thành phố đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết đến từng cơ quan, đơn vị chức năng. Đối với vùng thấp ven sông Cầu (Tân Long, Quan Triều, Hoàng Văn Thụ, Túc Duyên, Trưng Vương...), thành phố chỉ đạo các xã, phường phải có kế hoạch cụ thể sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có tình huống cấp bách; nghiêm cấm người dân tụ họp đông người xem vớt củi trên cầu Gia Bẩy, đập Thác Huống; thành lập các đội xung kích có dụng cụ ứng cứu (cuốc, xẻng, quang gánh...) đầy đủ, khi có lệnh huy động làm nhiệm vụ ngay...
Hiện nay, thành phố có các công trình thủy lợi trọng yếu: tuyến đê hữu cầu và kè chống lũ sông Cầu; đê bối Túc Duyên; đập Thác Huống; công trình hồ Núi Cốc... Để các công trình phát huy tác dụng, thành phố yêu cầu các xã, phường thường xuyên kiểm tra, đảm bảo đóng kín ngăn lũ và chủ động mở nhanh nhất để thoát úng khi nước sông Cầu xuống thấp. Riêng đối với hai công trình phòng lũ trọng điểm của thành phố là hồ Núi Cốc và đập Thác Huống năm 2016 đang tiếp tục được bổ sung phương án riêng về phòng, chống lụt bão. Được biết, năm 2015, thành phố dành hơn 8 tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai, trong đó ưu tiên đầu tư sửa chữa công trình thủy lợi 1,1 tỷ đồng để đảm bảo tích và giữ nước phục vụ sản xuất vụ nông nghiệp; trên 4,3 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp các công trình tiêu thoát nước tại các điểm, như: tuyến cống ngang đường Cách mạng Tháng Tám sang cầu Bóng tối (phường Trưng Vương); xử lý ngập úng khu vực cổng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh; xử lý ngập úng khu vực cổng Nhà máy Z127; xử lý ngập úng khu vực trước cửa Nhà khách UBND tỉnh; sửa chữa công trình bãi rác thải Đá Mài... Năm 2016, thành phố tiếp tục phân bổ gần 2 tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, trong trường hợp có các tình huống bất ngờ xảy ra, thành phố sẽ huy động từ nguồn kinh phí dự phòng, đảm bảo đáp ứng cho công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn.
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng thì một trong những yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống lụt bão chính là ý thức chủ động, tích cực hợp tác của mỗi người dân.