Ngành Ngân hàng được ví là huyết mạch của nền kinh tế, quá trình hình thành và phát triển của Ngành gắn với từng giai đoạn cách mạng của dân tộc. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, ngành Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên luôn bám sát các mục tiêu, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tính đến hết tháng 4 năm nay, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt hơn 35.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 38.000 tỷ đồng…
Ngược dòng thời gian, cách đây tròn 65 năm, ngày 6-5-1951, tại lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - tiền thân của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ngày nay. Sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là một bước ngoặt lịch sử, là kết quả nối tiếp của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Thái Nguyên, ngày 1-6-1951, Chi nhánh Ngân hàng tỉnh được thành lập, là một trong những chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh đầu tiên ra đời phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc.
Từ năm 1951 đến 1954 là giai đoạn cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ, huy động vốn và cho vay phục vụ sản xuất cũng như đấu tranh tiền tệ với địch. Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên đặt tại “Thủ đô kháng chiến” luôn thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ kháng chiến, phát triển tăng gia sản xuất.
Giai đoạn 1955-1975 là thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tập trung thực hiện nhiệm vụ củng cố thị trường tiền tệ, giữ cho tiền tệ ổn định; phát triển tín dụng góp phần phục hồi kinh tế ở Miền Bắc và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Năm 1968, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nhiều cán bộ Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên lên đường tham gia Đoàn B68 chi viện cho chiến trường miền Nam và một số đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Trong những năm 1976-1985, cả nước nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, hệ thống ngân hàng được quản lý dưới hình thức tập trung, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và chức năng cấp tín dụng. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, một số cán bộ Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên đã tham gia đoàn chuyên gia sang giúp nước bạn Campuchia xây dựng hệ thống ngân hàng.
Từ năm 1986 đến nay, đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới. Năm 1988, hệ thống ngân hàng được tách thành ngân hàng hai cấp: NHNN Việt Nam thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; các ngân hàng thương mại thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng.
Tính đến tháng 4-2016, trên địa bàn tỉnh có 24 chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng, trong đó có 21 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô; 2 quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra còn có 10 chi nhánh cấp II trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Thái Nguyên; 98 phòng giao dịch trực thuộc các ngân hàng có chi nhánh tại Thái Nguyên, 5 quỹ tiết kiệm; 177 cây ATM và 443 máy POS, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng trong việc lựa chọn ngân hàng phục vụ mình. Hiện nay, toàn ngành Ngân hàng tỉnh có gần 1.800 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tính đến cuối tháng 4 năm nay, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt trên 35.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt trên 38.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm 21% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ quan tâm đến nhiệm vụ chính trị, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn còn chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, nhằm thể hiện trách nhiệm cũng như giúp đỡ các gia đình có công, gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn vơi đi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính riêng năm 2015, toàn hệ thống đã dành tới gần 30 tỷ đồng cho công tác này.
Năm 2016, hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như: Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; Chương trình bình ổn thị trường từ nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, đơn giản hoá thủ tục cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh; thực hiện cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; ký quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng...
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Ngân hàng tỉnh luôn tự đổi mới vươn lên, nâng cao năng lực chuyên môn, chủ động tiếp cận với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở rộng cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng, chấp hành tốt chế độ quản lý ngoại hối, các ngân hàng xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với chỉ đạo của NHNN Việt Nam, bảo đảm quản trị rủi ro tốt, nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ, cải tiến tác phong làm việc của cán bộ, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, bảo đảm hoạt động tín dụng “an toàn - hiệu quả - phát triển và hội nhập”.
Trải qua 65 năm xây dựng vầ phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng tỉnh đã xây dựng nên truyền thống vẻ vang, đáng tự hào; nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Những năm tới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện, với trí tuệ và tâm huyết để hoạt động ngân hàng luôn đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế. Đồng thời quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý nợ xấu; nâng cao chất lượng thanh tra giám sát ngân hàng; về vàng, ngoại tệ, lãi suất; bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả đóng góp tích cực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.