Giảm thiểu tối đa nguy cơ tai biến sản khoa

09:42, 05/05/2016

Trong lĩnh vực y khoa nói chung và trong sản khoa nói riêng, nguy cơ tai biến là không thể tránh được. Tuy nhiên, nếu đơn vị y tế có mô hình quản trị tốt thì xác suất tai biến sẽ giảm thiểu tối đa.

Trong thực tế, có những bà mẹ, khi lên bàn sinh mới biết mình bị bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như u não, hen phế quản, tăng huyết áp. Trong quá trình mang thai không theo dõi nên không phát hiện được tình trạng cạn ối, tiền sản giật, rau tiền đạo, thai chậm phát triển trong tử cung. Đó chỉ là một trong những tình huống có thể là nguyên nhân dẫn đến tai biến sản khoa, đe dọa tính mạng của cả bà mẹ và em bé.

 

Đã có nhiều bà mẹ mang thai quan tâm, chăm sóc sức khỏe để có một thai kỳ khỏe mạnh nhưng vẫn có không ít trường hợp vì quá cẩn thận, mỗi đợt khám khám ở các nơi khác nhau, vì chủ quan không theo dõi, vì lý do kinh tế, vì điều kiện y tế ở tuyến cơ sở chưa phát triển nên trong suốt quá trình mang thai, dù cẩn thận hay không cẩn thận thì kết quả khi vào bệnh viện, các thông tin của bác sĩ về bệnh nhân rất ít ỏi. Chính vì không thuộc tiền sử người bệnh nên trong nhiều tình huống khẩn cấp, bác sĩ buộc phải quyết định dựa trên kinh nghiệm, kiến thức chứ không có sự chuẩn bị trước.

 

Lấy ví dụ một trường hợp bị hen phế quản được chuyển lên từ tuyến dưới. Trong bệnh án không ghi rõ tiền sử bệnh tật, không có đầy đủ các phiếu xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vỡ ối suy thai cấp. Trước tình trạng này, bác sĩ buộc phải đưa ra các quyết định điều trị hợp lý nhất mà không biết rõ về tình trạng hen của bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, nếu bệnh nhân lên cơn hen nếu không xử trí tốt có thể dẫn đến hậu quả xấu. Vì thế, khám bệnh tại một cơ sở y tế chuyên về sản khoa từ đầu thai kỳ đến cuối thai kỳ là việc làm khẩn thiết. Khi bệnh nhân nhập viện, bác sĩ đã biết rõ bệnh nhân có tiền sử bị bệnh gì không, có thể sinh thường hay sinh mổ, từ đó hoàn toàn chủ động tiếp nhận người bệnh, giảm thiểu những nguy cơ không đáng có.

 

Cùng với việc khuyến khích thai phụ khám và quản lý thai nghén trong suốt thai kỳ tại những cơ sở y tế có chuyên môn về sản khoa, cần tiếp cận và xây dựng quy trình điều trị cho những trường hợp tắc mạch ối, phản vệ, tiền sản giật, rau tiền đạo, rau cài răng lược, bệnh tim và thai nghén... nhằm hạn chế tối đa những nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tổ chức những buổi thực hành, tập huấn liên tục để nâng cao chuyên môn, kỹ năng cho các bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện và các tuyến chuyên khoa. Triển khai hiệu quả các mô hình giám sát thai kỳ sẽ góp phần làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.