Hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế

15:12, 23/05/2016

Từ năm 2014, mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Trạm y tế xã do Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học phối hợp với Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đã được triển khai tại huyện Phổ Yên và Đại Từ. Theo kết quả đánh giá, mô hình đã thu được những kết quả khả quan trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá tại các địa phương này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, với 16 triệu người hút thuốc lá. Ước tính chi phí mua thuốc lá của người Việt Nam lên tới 22.000 tỷ đồng mỗi năm. Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hơn 40.000 người tử vong tại Việt Nam hàng năm, tương đương với khoảng 100 người chết mỗi ngày.    

Bác sĩ Nguyễn Đức Vượng, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phổ Yên thông tin: Phổ Yên là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Trạm Y tế. Trong giai đoạn 1 của mô hình, chúng tôi đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học phối hợp với Văn phòng Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá lựa chọn ra 8 trạm y tế xã tham gia. Tiếp đó, toàn bộ nhân viên của 8 trạm y tế và một số nhân viên y tế thôn bản đã được lựa chọn để tham gia đào tạo, trang bị các kiến thức về tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, kỹ năng để trở thành các tư vấn viên, tư vấn hỗ trợ người hút thuốc lá cai thuốc.

 

Nằm trong mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế, việc hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá bao gồm các bước: Hỏi về tình trạng hút thuốc của toàn bộ bệnh nhân đến khám tại trạm y tế xã; khuyên và tư vấn nhanh giúp họ cai thuốc lá trong quy trình khám, chữa bệnh tại trạm. Sau 6 tháng triển khai mô hình (8/2014 - 2/2015) cho thấy, 56% bệnh nhân được cán bộ y tế hỏi về tình trạng hút thuốc; 60% bệnh nhân được cán bộ y tế khuyên bỏ thuốc; và 50% bệnh nhân nhận được tư vấn nhanh hỗ trợ cai thuốc lá từ cán bộ y tế. Ở thời điểm đánh giá, 35% người hút thuốc đã cai thuốc sau khi nhận tư vấn hỗ trợ cai thuốc lá từ các cán bộ y tế trạm và nhân viên y tế thôn bản.

 

Ông Hoàng Văn Hữu, ở xóm Đồng Xuân, xã Tiên Phong, một trong những bệnh nhân cai thuốc lá thành công cho hay: Tôi thường xuyên khám bệnh tại Trạm Y tế xã và được các bác sĩ khuyên bỏ thuốc để bảo vệ sức khoẻ. Tuy đã cố gắng cai thuốc nhiều lần  nhưng chỉ sau vài ngày, tôi lại tiếp tục hút thuốc lá. Khi tham gia mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại Trạm y tế xã, tôi được chuyển tiếp về để nhân viên y tế thôn bản tư vấn cách cai thuốc lá và giám sát quá trình bỏ thuốc. Nhờ có sự tư vấn và giám sát chặt chẽ, tôi đã bỏ được thuốc lá từ hơn nửa năm nay.

 

Bác sĩ Nguyễn Duy Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiên Phong cho biết: Thực hiện mô hình, chúng tôi đã hỏi trên 2.700 lượt bệnh nhân từ 15 tuổi trở lên đến khám tại Trạm Y tế về tình trạng hút thuốc của họ, khuyên 291 trường hợp cai thuốc lá, hỗ trợ và tư vấn cách cai thuốc lá cho 243 trường hợp. Bước đầu có thể nói, mô hình đã mang lại hiệu quả tương đối tích cực, sự hướng ứng của người dân địa phương với hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được nâng cao hơn so với giai đoạn trước đây.

 

Còn ông Trần Phi Hùng, Trạm phó Trạm Y tế xã Nam Tiến chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả cai nghiện thuốc lá, chúng tôi còn kết hợp với Đoàn Thành niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động cũng như giám sát quá trình cai nghiện thuốc lá của bệnh nhân. Nhờ huy động được sự vào cuộc của cộng đồng, số bệnh nhân tham gia cai nghiện thuốc lá và bước đầu cai nghiện thành công đã tăng đáng kể. Từ khi mô hình được triển khai tại xã từ giữa năm 2015 đến nay, Trạm y tế xã đã thực hiện hỗ trợ, tư vấn cai nghiện thuốc lá cho trên 50 bệnh nhân.

 

Ngoài huyện Phổ Yên, từ tháng 3-2016, mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế tiếp tục được triển khai tại 8 xã của huyện Đại Từ nhằm mục tiêu giúp nhiều người nghiện thuốc lá sẽ được tiếp cận cai nghiện ngay tại địa phương. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai các hình thức tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá dựa trên hệ thống y tế sẵn có của địa phương là một giải pháp hiệu quả vừa góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc lá tại địa phương vừa huy động được sự vào cuộc của các địa phương với vấn đề phòng, chống tác hại của thuốc lá. Do đó, mô hình hỗ trợ và điều trị cai nghiện thuốc lá tại trạm y tế cần tiếp tục được triển khai và mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.