Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

08:43, 07/05/2016

Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Võ Nhai phát triển mạnh, trong đó, nuôi lợn theo hình thức trang trại, gia trại ngày càng phổ biến và có quy mô lớn hơn. Cùng với việc mở rộng chăn nuôi, nhiều hộ dân đã xây dựng hầm khí sinh học Biogas vì đây là giải pháp hiệu quả giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí khi sử dụng nhiên liệu từ nguồn chất thải và khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai có 8 trang trại và hàng trăm hộ dân chăn nuôi lợn với tổng số đàn lợn lên tới gần gần 30 nghìn con. Nguồn chất thải từ chăn nuôi đổ ra môi trường rất lớn nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm tại một số khu dân cư. Vì vậy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm, nhiều hộ chăn nuôi ở Võ Nhai đã đầu tư xây dựng hầm biogas nhằm xử lý chất thải từ chăn nuôi và lấy khi đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. 

 

Xã La Hiên là một trong những địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm nhiều nhất huyện với một số trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có quy mô hàng nghìn con. Trước đây, chất thải của gia súc thường được dùng để ủ và bón cho các loại hoa màu hoặc bị xả trực tiếp ra đường, mương máng gây ảnh hưởng lớn tới môi trường xung quanh. Tuy nhiên, trong khảng 4 năm trở lại đây, nhiều hộ chăn nuôi gia súc với số lượng lớn ở xã La Hiên đã đầu tư xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Anh Đỗ Văn Dũng, ở xóm Hiên Minh, xã La Hiên cho biết: Năm 2015, gia đình tôi chăn nuôi gần 50 con lợn thịt nên đã xây dựng hầm khí sinh học biogas với thể tích 30m3 để xử lý chất thải. Ngoài đảm bảo môi trường, có nguồn khí gas phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình thì nguồn chất thải sau khi xử lý tại hầm biogas đem bón cho cây trồng rất tốt vì không có mầm bệnh trong phân bón…

 

Ông Trịnh Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên chia sẻ: Những năm gần đây, khi hầm biogas được triển khai tại địa phương thì nhiều hộ gia đình chăn nuôi với quy mô khoảng 30 con lợn đã áp dụng. Nhờ vậy, chất thải, nước thải của các loại vật nuôi được xả xuống hầm, giúp giảm mùi hôi, hạn chế các loại ruồi, muỗi, giữ cho chuồng trại sạch sẽ vật nuôi khỏe mạnh, không có dịch bệnh… Nhiều hộ còn sử dụng khí sinh học từ hầm biogas để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

 

Không chỉ ở xã La Hiên mà nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Võ Nhai, như: Bình Long, Lâu Thượng, Phú Thượng… người dân đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng hầm khí sinh học biogas nhằm xử lý chất thải trong chăn nuôi. Đối với hình thức chăn nuôi hộ gia đình quy mô từ 20 đến 100 con lợn thì có thể xây dựng hầm biogas với thể tích khoảng 30m3 là đảm bảo xử lý chất thải và cung cấp khí sinh học phục vụ sinh hoạt của gia đình. Anh Hà Văn Hòa, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Võ Nhai cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai có hơn 1.500 hộ gia đình xây dựng hầm biogas theo Dự án khí thải sinh học (mỗi gia đình được hỗ trợ 1,2 triệu đồng). Ngoài ra, có hàng trăm hộ dân khác tự đầu tư xây dựng. Việc xây dựng hầm biogas sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề môi trường trong chăn nuôi, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới… 

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với chi phí xây dựng hầm biogas hơn 15 triệu đồng là có thể đảm bảo xử lý chất thải cho khoảng 30 - 70 con lợn thịt. Hiện nay, các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện đều thực hiện xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, do nhận thức cũng như điều kiện kinh tế nên vẫn còn nhiều hộ dân chăn nuôi lớn ở Võ Nhai chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng để xử lý chất thải, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường… Phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm cần gắn với việc bảo vệ môi trường giảm được ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là góp phần làm cho xóm, làng thêm sạch đẹp, văn minh. Đây cũng là mục tiêu, động lực góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới tại các xóm, bản vùng sâu, vùng xa.