Năm 2015, tỷ lệ sinh con thứ ba ở huyện Phú Lương là 7%. Đây là năm có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao nhất so với những năm trước đây trên địa bàn huyện. Năm 2016, huyện Phú Lương cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên song vẫn còn tồn tại không ít khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (TTDS-KHHGĐ) huyện Phú Lương, tính đến cuối năm 2015, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn là 2.011 trẻ, trong đó, trẻ em sinh ra là con thứ ba trở lên là 142 trẻ, chiếm tỷ lệ 7%. Năm 2016, tính đến hết quý I, tổng số trẻ sinh ra trên toàn huyện là 403 trẻ, trong đó có 34 trẻ là con thứ ab trở lên, chiếm 8,44% tổng số trẻ sinh (tăng 4 trẻ so với cùng kỳ năm 2015).
Bà Hoàng Thị Ba, Giám đốc TTDS-KHHGĐ huyện Phú Lương cho biết: rút kinh nghiệm từ năm 2015, sang năm nay, TTDS-KHHGĐ huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc sinh con thứ ba trở lên đó là tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; thành lập các câu lạc bộ “Vận động phụ nữ không sinh con thứ ba”; tăng tần suất vận động tại các hộ gia đình thuộc diện có nguy cơ sinh con thứ ba, đặc biệt là những hộ gia đình sinh con một bề đều là gái. Tuy nhiên, các biện pháp trên đều không phát huy được hiệu quả, bởi đa số các gia đình sinh con thứ 3 đều có điều kiện kinh tế khá giả, họ mong muốn có “con đàn cháu đống”, hoặc những gia đình này đều sinh con một bề, họ muốn có cháu trai hoặc gái để cho có đủ nếp, tẻ. Chính vì thế mà khi triển khai các giải pháp trên đã gặp rất nhiều khó khăn.
Chúng tôi đến xã Phủ Lý - một trong những xã có số trẻ sinh ra là con thứ ba cao nhất của huyện kể đầu năm đến nay để tìm hiểu suy nghĩ, tâm tư của các hộ gia đình đã, đang và dự định sinh con thứ ba trong năm nay. Gia đình chị Vy Thị Thu Huyền, xóm Hiệp Hòa là một trong 9 gia đình ở xã Phủ Lý thuộc diện sinh con thứ ba trong năm nay. Trước đó, chị đã sinh được hai bé gái, đứa lớn sinh năm 2007, bé thứ hai sinh năm 2012 và dự kiến bé thứ ba sẽ sinh vào cuối tháng 9 tới. Chị Huyền cho biết: Vợ chồng tôi kinh doanh hàng tạp hóa và bán đồ ăn sáng. Tiền kiếm được đủ chi tiêu cuộc sống cho gia đình. Sinh bé lần này nằm ngoài kế hoạch nhưng cũng mong đẻ được thằng cu tý để nối dõi tông đường.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ly và anh Hoàng Văn Thắng cùng ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý cũng vừa mới sinh bé gái chưa đầy 3 tháng tuổi. Anh chị đã có hai cô con gái xinh xắn. Khi được hỏi vì sao lại sinh con thứ ba, chị Ly cho biết: Lúc đầu, vợ chồng tôi cũng không định để đẻ bé thứ ba, nhưng trước đây, do tôi đã nạo một lần, bị rong huyết lâu ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe nên chồng tôi lo lắng. Khi mang thai đứa thứ ba, anh ấy bảo để đẻ luôn, biết đâu lại sinh được thằng cu.
Ngoài xã Phủ Lý, thị trấn Đu, xã Cổ Lũng, Vô Tranh, Phú Đô Hợp Thành, Ôn Lương, Yên Trạch cũng có số trẻ sinh ra là con thứ 3 tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, có 1 trường hợp là đảng viên đã sinh con thứ ba; 3 trường hợp là cán bộ, đảng viên đang mang thai con thứ ba. Lý giải nguyên nhân sinh con thứ ba trên địa bàn tăng cao, chị Nguyễn Thị Thơm, cán bộ dân số thị trấn Đu cho biết: từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị trấn có 10 trường hợp (7 trường hợp đã sinh, 3 trường hợp đang mang thai) sinh và mang thai con thứ ba, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015. Tình trạng sinh con thứ ba trên địa bàn thị trấn tăng cao không phải do các gia đình không nhận thức được các quy định của Pháp lệnh Dân số hoặc do gia đình họ sinh con một bề (hoặc trai hoặc gái) mà họ có tư tưởng muốn sinh thêm để đông con, đông cháu. Với tư tưởng đó nên dù cán bộ dân số có vận động, tuyên truyền kiểu gì cũng không thể thay đổi được quyết định của họ. Hơn nữa, các chế tài xử phạt với những trường hợp sinh con thứ ba hiện nay cũng chưa đủ mạnh, mới chỉ dừng ở việc không công nhận gia đình văn hóa trong 1 năm; cảnh cáo, kỷ luật Đảng, chậm nâng lương… nên rất khó khăn.
Nói về những giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu việc sinh con thứ ba, bà Hoàng Thị Ba cho biết thêm: Cần phải có chế tài xử phạt đủ mạnh mới có tính chất răn đe, tuyên truyền tới người dân. Đơn cử như: Nếu là cán bộ, đảng viên phải dùng hình thức xử phạt cao nhất như phạt hành chính, khai trừ khỏi Đảng, tạm dừng công tác…; hoặc nếu là người dân không chỉ dừng lại ở việc mất danh hiệu gia đình văn hóa mà gắn thêm lợi ích khác như không được hưởng các chế độ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hay chế độ chính sách khác… Hiện nay, TTDS-KHHGĐ cũng đang có văn bản tham mưu cho huyện Phú Lương một số giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sinh con thứ 3, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung tăng cường phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc để thực hiện. Có sự chung tay của các đơn vị, chắc chắn tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên sẽ được kiểm soát.