Nhiều năm liền Thành phố Hồ Chí Minh không có tử vong do ngộ độc thực phẩm

17:16, 30/05/2016

Chiều 30/5, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 08 CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong tình hình mới", Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều năm liền tại Thành phố Hồ Chí Minh không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Thực hiện chỉ thị số 08, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo kị̣p thời, củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức nhân sự của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, tình hình ngộ độc thực phẩm bình quân số vụ trên 30 người là 3,4 vụ/năm; số người mắc bình quân/năm/100.000 dân là 4,66. Nếu so sánh số người mắc/10 vạn dân của năm 2011 và 2015 lần lượt là 8,5 và 2,68; điều này cho thấy tỷ lệ người mắc/10 vạn dân giảm nhiều trong những năm gần đây.

 

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhằm giám sát phòng, chống các vụ ngộ độc thực phẩm, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác cải thiện thức ăn đường phố, quản lý ngộ độc thực phẩm... Đặc biệt, các cơ quan chức năng thành phố còn đẩy mạnh công tác quy hoạch và phát triển mô hình sản xuất an toàn; lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh cấm trong sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

 

Theo các sở, ngành, song song với việc kiểm tra, giám sát phòng, chống các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới các đơn vị còn tập trung triển khai và phát huy hiệu quả của những mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đơn cử, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo "Chuỗi thực phẩm an toàn" trong lĩnh vực nông lâm thủy sản trên địa bàn. Còn Sở Công Thương thành phố, đang triển khai Dự án mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu là hướng đến xây dựng và phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.618 bếp ăn tập thể; 124 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; 20.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với hơn 25.000 người tham gia kinh doanh./.