Tăng cường phòng chống các dịch bệnh mùa hè

16:16, 18/05/2016

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ tháng 1/2007 đến tháng 5/2016, đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vi rút Zika, trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục có sự lây truyền vi rút Zika do muỗi truyền.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, ngành y tế đã lấy 2.266 mẫu xét nghiệm vi rút Zika, phát hiện 2 ca bệnh dương tính với vi rút Zika tại T.P Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa. Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika tại các tỉnh, thành phố được triển khai quyết liệt từ việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch đến triển khai các biện pháp phòng bệnh; đồng thời, phát động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng; giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, tập huấn cho cán bộ y tế...

 

Dự báo thời gian tới, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika, nguyên nhân là do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika lưu hành phổ biến các địa phương; 80% bệnh nhân nhiễm Zika không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Bên cạnh đó, người dân chưa chủ động thực hiện việc ngăn ngừa muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng…Vì vậy, các tỉnh, thành cần tập trung triển khai các hoạt động trọng tâm như: đẩy mạnh giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika; tổ chức theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc thai nghén cho phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika, giám sát chứng đầu nhỏ trước sinh và trẻ sơ sinh tại các cơ sở sản nhi; các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở sản - nhi sẵn sàng nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị, giường bệnh để đảm bảo việc thu dung, điều trị bệnh nhân.

 

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tích lũy 18 tuần đầu năm 2016 trên cả nước cho thấy, số ca mắc bệnh viêm não do vi rút giảm 41,9% và số ca mắc bệnh tay chân miệng cũng giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng vẫn ghi nhận các trường hợp mắc tại 61 tỉnh, thành phố và bệnh viêm não do vi rút cũng ghi nhận rải rác tại các địa phương. Dự báo thời gian tới, một số dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... sẽ xuất hiện phổ biến vào mùa hè, tập trung từ tháng 5 đến tháng 8. Nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng chống, thì nguy cơ dịch sẽ bùng phát là rất lớn.

 

Để phòng chống bệnh,  người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối...

 

Bên cạnh đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai...; đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, không chờ đợi vắc xin dịch vụ. Khi phát hiện người bệnh có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm, cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.