Thức ăn đường phố - tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng

09:56, 05/05/2016

Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có hàng nghìn hàng quán kinh doanh thức ăn đường phố. Do hầu hết được chế biến từ nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không đảm bảo nên thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.    

Có mặt tại chợ sinh viên trên đường Lê Quý Đôn, gần khu vực Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chúng tôi thấy các hàng quán kinh doanh đồ ăn chín xen lẫn các sạp bán rau củ, thịt, cá sống. Đồ ăn đã chế biến được để trên các khay không có lồng kính che chắn. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách được chủ quán thực hiện bằng tay trần, bát đĩa đầy dầu mỡ đã qua sử dụng cũng chỉ được tráng sơ qua bằng một xô nước nhỏ. Các loại nước giải khát được quảng cáo là siêu sạch ở đây đều được đóng sẵn trong các túi nilon không nhãn mác với những màu sắc bắt mắt.

 

Theo quy định của cơ quan chức năng, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ; thực phẩm chế biến phải có hóa đơn chứng thực nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, khi được hỏi về quy định này, các chủ quán ăn đường phố đều tỏ ra khá bỡ ngỡ. Chủ một cửa hàng cơm bình dân gần khu vực cổng Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, đường 3-2, phường Tích Lương nói: Tôi đã bán cơm ở đây mấy năm nhưng không thấy ai nhắc nhở phải đi khám sức khỏe hay tập huấn gì. Hơn nữa, tôi chỉ buôn bán nhỏ, chỗ bán hàng chật chội nên nhiều khi không đựng thức ăn trong tủ kính mà bày ra như vậy cho khách dễ lựa chọn.

 

Không chỉ vi phạm những quy định về điều kiện vệ sinh, các quán ăn vỉa hè rất có thể là nơi tiêu thụ thực phẩm không rõ xuất xứ, thực phẩm không an toàn. Khi được hỏi về số xúc xích, lạp sườn được bày bán mà không có bao bì, nhãn mác, một chủ xe bán đồ nướng di động ở đường Ga Thái Nguyên, tổ 22, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), gần khu vực chợ Đồng Quang cho biết: Vì lượng khách quá đông cho nên chúng tôi thường sơ chế đồ ăn ở nhà trước khi đem bán. Nguyên liệu để chế biến đồ ăn đều được nhập từ các siêu thị. Giá đồ ăn bán ra ở đây rất phong phú, đơn cử như thịt nướng giá 4.000 đồng/xiên; xúc xích giá 7.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, giá xúc xích chưa chế biến tại các siêu thị trên địa bàn thành phố có giá trung bình 7.000 đồng/chiếc?!

 

Điều đáng lo ngại là trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế, chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo thì người tiêu dùng, nhất là dân lao động nghèo, học sinh, sinh viên lại tỏ ra “dễ dãi” dù biết thức ăn đường phố có nguy cơ bị "nhiễm khuẩn" cao. Em Nguyễn Thị Hương, sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên nói: Em và các bạn thường ra quán vỉa hè ăn cơm, vừa nhanh, vừa rẻ. Chúng em là sinh viên nên ăn uống cần phải tiết kiệm để cân đối chi phí sinh hoạt.

 

Đây là lý do giải thích vì sao những gánh hàng rong, quán kinh doanh đồ ăn sẵn “mọc” tràn lan ở khắp nơi. Không phủ nhận tính tiện lợi, ngon miệng và giá bán rẻ của các loại thức ăn đường phố, tuy nhiên, chúng lại gây nhiều tác hại khôn lường đến sức khỏe con người. Tiến sĩ Lê Thị Hương Lan, Trưởng khoa Xét nghiệm sinh hóa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho hay: Tỷ lệ người nhiễm bệnh về đường tiêu hóa do ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh trên thực tế rất cao. Phần lớn những người từng ăn thức ăn đường phố ai cũng từng vài lần có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt... nhưng do chủ quan, không để ý nên không phát hiện được nguyên nhân.

 

Thực trạng các quán ăn vỉa hè tràn lan, khó kiểm soát về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) đã tồn tại từ nhiều năm nay, tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục VSATTP cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại do thức ăn đường phố (đồ ăn sẵn) gây ra, trong thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, Chi cục VSATTP sẽ tăng cường công tác hậu kiểm tra, giám sát để nhắc nhở, xử lý các cơ sở vi phạm.

 

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, mỗi người dân hãy là nhà tiêu dùng thông thái, quan tâm lựa chọn thực phẩm phù hợp, bảo đảm các yếu tố VSATTP để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và người thân trong gia đình mình.