Hiện nay, tỉnh ta có 28.054 hộ cận nghèo. Thu nhập thấp và bệnh tật là những gánh nặng khiến họ dễ rơi vào cảnh khánh kiệt và có nguy cơ tái nghèo. Vì thế, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ cận nghèo được xem là hoạt động giàu tính nhân văn, góp phần giúp bà con san sẻ khó khăn, có cơ cơ hội được chăm sóc sức khỏe và ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Lan Hương là hộ cận nghèo của xóm Cây Xanh, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Gia đình tôi có bốn người. Các con thường xuyên đi làm ăn xa, chồng tôi không may bi tật nguyền, tôi thì thường xuyên bị viêm phổi và cao huyết áp. Vì không có BHYT nên tôi thường hạn chế đi khám bệnh vì chi phí cho mỗi lần đến bệnh viện điều trị lên tới cả triệu đồng. Khi được hỏi lý do vì sao không tham gia BHYT, bà Hương bộc bạch: Chi phí mua BHYT tuy không cao nhưng lại khá đắt đỏ đối với cuộc sống của gia đình tôi. Vì vậy, chúng tôi không đủ điều kiện mua thẻ BHYT.
Câu chuyện của bà Hương phản ánh tình trạng chung về những hộ cận nghèo tham gia BHYT mà chúng tôi tiếp cận được cách đây 3 năm. Mặc dù, được Nhà nước hỗ trợ đóng 70%, thế nhưng đa phần những người cận nghèo hoặc mới thoát nghèo lại chưa có điều kiện tham gia BHYT. Theo số liệu thống kê đầu năm 2013, tỉnh ta chỉ có trên 20% người thuộc hộ cận nghèo có thẻ BHYT. Trong khi thực tế cho thấy việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm. Đặc biệt là đối với người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, BHYT mang lại công bằng về quyền được chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, giúp họ vơi bớt gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau. Nếu tham gia BHYT, người dân sẽ được chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký ghi trên thẻ.
Xuất phát từ thực tế trên, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 17/2013/NQ - HĐND ngày 6-8-2013 của HĐND tỉnh về việc cấp thẻ BHYT cho hộ cận nghèo (hỗ trợ 30% còn lại để hộ cận nghèo hưởng 100% giá trị thẻ). Nhờ chính sách này, toàn bộ hộ cận nghèo của tỉnh đã được cấp thẻ BHYT hoàn toàn miễn phí. Tính đến nay, toàn bộ 28.054 hộ cận nghèo với 62.947 người đã được cấp thẻ BHYT. Nói về niềm vui khi được cấp thẻ BHYT, ông Trần Văn Cao (53 tuổi) ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nghẹn ngào: Năm 2014, tôi bị suy thận và phải tiến hành chạy thận 2 lần/tuần tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Nhờ được cấp thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, tôi chỉ phải trả 20%, thay vì đóng toàn bộ chi phí 5 -7 triệu đồng/tháng. Nếu không có thẻ BHYT, gia đình tôi không có khả năng chi trả số tiền điều trị lớn như vậy.
Không chỉ hưởng 100% giá trị thẻ BHYT, từ năm 2013, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh còn được Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng vay vốn Ngân hàng Thế giới (NORRED) hỗ trợ. Tại Thái Nguyên, người cận nghèo đã được UBND tỉnh hỗ trợ 30% mệnh giá mua thẻ BHYT còn lại, Dự án không tập trung vào việc vận động người cận nghèo mua thẻ BHYT mà mở rộng sang đối tượng hộ gia đình. Đối với người cận nghèo chủ yếu truyền thông hỗ trợ chi phí cao trong điều trị và truyền thông cách sử dụng bảo quản thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh. Đặc biệt Dự án đã hỗ trợ người cận nghèo tiền khám bệnh, chữa bệnh (nội trú và ngoại trú) khi chi phí của mỗi đợt điều trị lớn hơn 500.000 đồng và tối đa không quá 6 tháng lương cơ sở/đợt điều trị, không giới hạn số đợt điều trị trong năm.
Việc hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ BHYT, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cao và hoạt động truyền thông về BHYT đã mang lại lợi ích to lớn cho hộ cận nghèo bởi trong điều kiện khó khăn nếu không được tham gia BHYT, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người cận nghèo. Có thể khẳng định, những chính sách hỗ trợ cần thiết và kịp thời từ phía tỉnh và Dự án NORRED đã tạo điều kiện cho nhân dân có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.