Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết với mọi giới đồng bào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong suốt những năm qua, bà con theo đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng Nông thôn mới”… Đặc biệt, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” , “Sống tốt đời đẹp đạo” đã lan tỏa sâu rộng tại các xứ đạo, đem lại hiệu quả thiết thực thể hiện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, từ thiện nhân đạo, đảm bảo an ninh trật tự…
Tính đến thời điểm này, 49/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thành lập được Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG), các Ủy ban này đều có nhiều hoạt động thiết thực vì sự nghiệp đoàn kết tôn giáo nói chung và đoàn kết đồng bào theo đạo Thiên chúa nói riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Ủy viên UBĐKCG Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Vận động thành lập UBĐKCG tỉnh: Việc thành lập UBĐKCG tỉnh là hết sức cần thiết vì đây sẽ là tổ chức đại diện cho tiếng nói của đồng bào Công giáo, là cầu nối tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đồng bào Công giáo với cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào Công giáo; đồng thời UBĐKCG tỉnh sẽ là trung tâm đoàn kết đồng bào Công giáo của tỉnh, tổ chức và triển khai các phong trào thi đua yêu nước, động viên đồng bào Công giáo tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần thực hiện đường hướng Giáo hội gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Mục tiêu chung của UBĐKCG tỉnh là tập trung phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của UBĐKCG và các vị ủy viên UBĐKCG tỉnh đối với phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam; tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong vùng đồng bào Công giáo gắn với 10 nội dung thi đua “7 tốt đời, 3 đẹp đạo” trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư sống tốt đời, đẹp đạo” do UBĐKCG Việt Nam phát động trong giai đoạn hiện nay, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Nói về việc thành lập UBĐKCG tỉnh, anh Đỗ Văn Đường, giáo dân thuộc Giáo họ Tân Bình 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) chia sẻ: Theo tôi, việc thành lập UBĐKCG tỉnh là một chủ trương đúng đắn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những hoạt động của đồng bào Công giáo. Với việc thành lập được UBĐKCG tỉnh, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để kết nối giữa người Công giáo với chính quyền, Ủy ban sẽ đại diện cho tiếng nói của người Công giáo, chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho giáo dân. Tôi rất ủng hộ chủ trương này.
Để chuẩn bị cho việc thành lập UBĐKCG tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thành lập Ban Vận động thành lập UBĐKCG tỉnh để tiến hành vận động các linh mục quản nhiệm các giáo xứ và các Hội đồng Giáo xứ trên địa bàn tỉnh tham gia UBĐKCG, đồng thời tạo điều kiện cho các chức việc thuộc giáo xứ, giáo họ tham gia. Trên cơ sở kết quả vận động, Ủy ban MTTQ tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị thành lập UBĐKCG tỉnh, sau đó, gửi hồ sơ trình UBND tỉnh và Sở Nội vụ để xin phép thành lập UBĐKCG tỉnh lâm thời. Theo kế hoạch, sau khi có quyết định của UBND tỉnh cho phép thành lập UBĐKCG và công nhận UBĐKCG tỉnh lâm thời, UBĐKCG tỉnh lâm thời sẽ tiến hành công tác chuẩn bị và dự kiến tổ chức Đại hội đại biểu “Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2021 vào đầu quý III năm 2016.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 32.000 người theo đạo Công giáo, tập trung chủ yếu ở T.P Thái Nguyên và các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình. Trên địa bàn tỉnh có 8 giáo xứ, 53 giáo họ, 49 nhà thờ, nhà nguyện, trên 300 chức việc, ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã và có 12 linh mục, trong đó có 9 linh mục quản 9 giáo xứ. |