Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

11:23, 02/06/2016

Nhằm đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, Thái Nguyên đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động, đề án, kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó việc hằng năm tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới để kêu gọi ngày càng nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường.

Xác định công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là nhiệm vụ quan trọng, song hành với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chương trình bảo vệ môi trường. Các chương trình không chỉ bó hẹp ở công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, mà bằng nhiều việc làm thiết thực, cụ thể. Trong đó, đặc biệt là việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, mỗi năm, tỉnh đã bố trí trên 200 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thu gom và xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và lắp đặt công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Qua đó, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vốn xây dựng công trình xử lý chất thải. Hiện, toàn tỉnh có nhiều dự án về xử lý rác thải đã và đang đầu tư trên địa bàn, trong đó có một số công trình xử lý chất thải hiện đại như: Hệ thống xử lý nước thải, khí thải của Khu công nghiệp Yên Bình; công nghệ xử lý chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; công nghệ không phân, công nghệ saibon để xử lý chất thải chăn nuôi; thay thế nhà máy xi măng lò đứng bởi các nhà máy xi măng lò quay hoặc chuyển đổi sản xuất; xóa bỏ lò gạch thủ công, thử nghiệm công nghệ xử lý khí thải lò gạch thủ công để thay thế lò gạch thủ công truyền thống; thử nghiệm, nhân rộng mô hình lò đốt rác mi ni nhằm giảm quỹ đất bãi rác để xử lý rác thải ở các khu vực dân cư phân tán...

 

Ngoài việc đầu tư kinh phí, tỉnh cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra về môi trường, tập trung vào các cơ sở khai khoáng, khu công nghiệp, chăn nuôi, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc môi trường, theo dõi, giám sát các hoạt động xả thải thông qua vai trò giám sát của người dân, từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi xả thải trái phép. Từ năm 2011 đến nay, đã có trên 1.200 cuộc thanh kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm 431 lượt cơ sở với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng đã thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm. Thái Nguyên là một trong số tỉnh sớm hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg.

 

Nhờ sự quyết liệt và những chương trình mang tính chiến lược, nên thời gian gần đây, tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đã được kiềm chế, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được tập trung đẩy mạnh, đặc biệt là việc giám sát tại các khu có nguy cơ ô nhiễm cao. Hầu hết các dự án khai thác khoáng sản đều thực hiện đánh giá tác động môi trường, lập Đề án cải tạo phục hồi môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, đã có 52 dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đến hết năm 2015 có 111/175 mỏ được cấp phép đã ký quỹ với tổng số tiền 71 tỷ đồng. Tổng số tiền phí bảo vệ môi trường từ năm 2011 đến nay là 382 tỷ đồng. Không chỉ đối với lĩnh vực công nghiệp, công tác bảo vệ môi trường được gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng phát triển nông nghiệp nông thôn nhằm từng bước cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề thông qua việc tập trung thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là đến nay tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82%; hộ gia đình có nhà tiêu đạt chuẩn 62%; số trường học có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom tại khu vực nông thôn đạt 60%, trong đó hiện có 84/182 xã đã thành lập tổ chức thu gom rác cấp xã, đã có 43/143 xã hoàn thành tiêu chí môi trường, trong đó có 29 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Môi trường đang có những dấu hiệu tích cực, tình trạng ô nhiễm ở khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp đang dần được khắc phục, chất lượng nước sông Cầu được cải thiện.

 

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; nhiều cơ sở sản xuất cũ công nghệ lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư thiếu quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh môi trường; ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, làng nghề có xu hướng gia tăng do áp lực từ rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi; lưu vực sông Cầu vẫn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường cùng với tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội đang tiếp tục gia tăng do tiếp nhận nước thải chưa được xử lý từ nhiều cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu tập trung dân cư nông thôn... Ngoài ra, vẫn còn một số điểm “nóng” về môi trường gây bức xúc trong dư luận.

 

Để giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng chí Trần Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức; huy động mọi nguồn lực tổ chức triển khai Đề án tăng cường năng lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát sinh chất thải, tiết kiệm tài nguyên; khuyến khích các hoạt động giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất…

 

Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường không phải của một cấp, ngành nào mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Ở góc độ của mình, mỗi tổ chức, cá nhân đều cần chung tay, góp sức có những hành động bảo vệ môi trường nhằm giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục những hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Với chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” một lần nữa gửi đến thông điệp kêu gọi mỗi người hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của trái đất. Thông qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới. ăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong giám sát; đẩy mạnh xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.