Đào tạo nghề trong thời kỳ hội nhập

16:42, 01/06/2016

Trong giai đoạn cả nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn. Thực trạng ấy đã và đang đặt ra cho công tác đào tạo nghề nhiều đòi hỏi, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Hoạt động đào tạo nghề đang dần chuyển đổi phương thức dạy theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường.

*Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB.

* Thống kê năm 2015 theo từng trình độ cho thấy: Cứ một người trình độ đại học trở lên thì chỉ có 0,32 người trình độ cao đẳng, 0,61 trình độ trung cấp và 0,37 sơ cấp. Trong khi ở các nước công nghiệp, tỷ lệ này là 1/4/10, thậm chí ở giai đoạn công nghiệp cơ khí hóa, tỷ lệ này là: 1/4/60.

Tính đến hết năm 2015, cả nước có gần 1.500 cơ sở dạy nghề (CSDN), chưa kể hơn 700 cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc khối trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tham gia dạy nghề. Trước những nhu cầu mới, hình thức cũng như quy mô dạy nghề đã phát triển đa dạng, góp phần cung cấp cho thị trường nguồn lực lao động có chất lượng. Song, một nghịch lý vốn tồn tại lâu nay là mặc dù tỷ lệ người tốt nghiệp học nghề có việc làm khá cao, nhưng số người vào học nghề vẫn thấp dẫn đến tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chưa cao. Điều đó dẫn đến chất lượng lao động chưa đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh nguồn lao động quốc tế cạnh tranh gắt gao như hiện nay.

 

Trên địa bàn tỉnh ta, từ năm 2011 đến nay, hàng chục nghìn lao động được đào tạo nghề, nhất là lao động ở khu vực nông thôn, từ nghề đơn giản như nấu ăn, trồng hoa, mây tre đan, kỹ thuật chăn nuôi cho đến các nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gò, hàn, điện công nghiệp, may công nghiệp... Thông qua đào tạo nghề, người lao động được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần giải quyết được nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp (DN), từng bước đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Cán bộ chuyên trách theo dõi công tác dạy nghề đã phủ kín trên 9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh. Tính riêng năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 58%, tăng 1,65% so với năm 2014.

 

Những năm gần đây, việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu và đơn đặt hàng của DN đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn học viên sau khi tốt nghiệp, DN có điều kiện chọn được nguồn lực lao động như mong muốn. Các cơ sở đào tạo nghề đã và đang đẩy mạnh liên kết đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN, nhất là với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, phối hợp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động; kết hợp đưa thông tin thị trường lao động bằng nhiều hình thức trong quá trình đào tạo nghề nhằm thu hút học viên và góp phần kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn.

 

Tuy nhiên, hoạt động đào tạo nghề đang vấp phải một thực trạng hết sức khó khăn là vừa thiếu vừa mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu lao động qua đào tạo. Các ngành, các cấp đều nhận thấy nguyên nhân lớn nhất hiện nay là do công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh của chúng ta còn yếu; quy mô tuyển sinh đại học lại quá lớn. Tâm lý bằng mọi cách phải đưa con em mình vào các trường đại học, cao đẳng vẫn còn khá nặng nề ở các bậc phụ huynh. Hiện, mỗi năm cả nước có khoảng một triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng có tới 90% trong số đó thi vào các trường đại học, cao đẳng và chỉ khoảng 10% đi học nghề. Số đỗ chính thức vào các trường đại học khoảng 60%, nhưng số còn lại thường tìm cách để vào các trường đại học tư thục, hoặc các trường cao đẳng. Vậy là gần như không còn người đi học nghề.

 

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn hội nhập hiện nay, không còn con đường nào khác là phải tập trung đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật chất lượng cao, có kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cùng với nhiều lĩnh vực khác, đào tạo nghề ở nước ta sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Trên thực tế, kỹ năng nghề của lao động các nước trong khu vực rất cao. Để lao động Việt Nam không thua ngay trên sân nhà, chúng ta cần phải xác định đây là lĩnh vực cạnh tranh ưu tiên, từ đó có những chính sách đầu tư phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề. Muốn vậy, trước hết cần làm tốt khâu tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp để nâng cao nhận thức của người lao động; giải tỏa tâm lý của các bậc phụ huynh cũng như học sinh rằng không nhất thiết cứ phải vào các trường đại học, cao đẳng mà sau khi tốt nghiệp các trường trung học cơ sở hay trung học phổ thông, mỗi người hãy chủ động lựa chọn, trang bị cho mình lượng kiến thức nhất định, phù hợp với điều kiện và khả năng nhận thức để tìm một việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định, đảm bảo cho cuộc sống hiện tại và lâu dài.

 

Và một điều hết sức quan trọng là cần phải tăng cường mối liên hệ giữa cơ sở dạy nghề, học viên và DN. Từ đó giúp cho học viên sau khi ra trường có tay nghề đáp ứng nhu cầu, được các DN nhận vào làm việc mà không phải đào tạo lại. Hệ thống dạy nghề cũng cần được nghiên cứu, chuyển đổi phương thức từ quản lý tập trung sang quản lý phi tập trung, phân cấp mạnh cho cơ sở; sớm xây dựng và ban hành khung trình độ quốc gia để thực hiện lộ trình chuẩn hóa; quan tâm nâng cao chất lượng nhà giáo, trong đó có đội ngũ giáo viên dạy nghề. Cơ chế, chính sách gắn kết giữa DN với cơ sở đào tạo cần sớm được cụ thể hóa, hướng dẫn để DN dễ dàng, chủ động cùng với cơ sở đào tạo tổ chức hoạt động dạy nghề; thu hút DN tham gia quá trình đào tạo nghề, đảm bảo đôi bên cùng có lợi trên cơ sở thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 

Với mục tiêu tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, những năm tới, tỉnh ta sẽ phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cũng như khảo sát nhu cầu học nghề; hoàn thiện, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả; tích cực nghiên cứu, xây dựng mô hình dạy nghề mới theo đơn đặt hàng; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu về dạy nghề cho người lao động. Cùng với đó là tăng cường công tác tư vấn học nghề và việc làm, gắn kết với DN trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động trong thời kỳ hội nhập.