Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn có một gia đình yên ấm. Nhưng thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mà người chồng đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người từng đầu gối tay ấp với mình bao năm.
Một số thông điệp tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2016: - Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em. - Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. - Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được tố giác và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. - Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình. - Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền. - Yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình. |
Nhiều thập kỷ qua, vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới và gia đình luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều phụ nữ đã được tín nhiệm, đề cử vào những vị trí quan trọng trong cơ quan của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Với thiên chức của mình, đa số chị em đã trở thành người "thắp lửa" cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình, phụ nữ vẫn thường là nạn nhân chính của bạo lực gia đình (BLGĐ).
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây, cứ ba phụ nữ trên thế giới thì có một người là nạn nhân của BLGĐ, đa số là phụ nữ châu Á và Trung Đông. Tại Việt Nam, tình hình BLGĐ cũng đang ở mức đáng báo động khi 58% phụ nữ đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần. Điều đáng ngại hơn, một nửa trong số nạn nhân này chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng.
BLGĐ có ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và thể chất của người phụ nữ, có những trường hợp dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Qua các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây cho thấy không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện vì chấn thương do các tác nhân BLGĐ gây ra, có những trường hợp rất man rợ và đáng thương tâm. Nhiều vụ ly hôn do nguyên nhân của BLGĐ. Hậu quả, ngoài hai người trong cuộc gánh chịu thì trẻ em cũng là đối tượng bị tổn thương rất nhiều khi bố mẹ chia tay.
Trước những hậu quả để lại khá nghiêm trọng của nạn BLGĐ, năm 2007, Nhà nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống bạo hành gia đình. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, nạn BLGĐ vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Chịu ảnh hưởng của chế độ nho giáo và văn hóa Đông Nam Á, nhiều người còn cho rằng việc người phụ nữ, trẻ em gái, thậm chí kể cả nam giới bị bạo lực mà không thông báo là bình thường; họ coi đây là vấn đề riêng tư, mang tính chất gia đình thuần túy nên cam chịu; việc kể chuyện, thông báo với người ngoài được coi là "vạch áo cho người xem lưng". Nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến BLGĐ đã xảy ra ở nhiều nơi, gây phẫn nộ trong dư luận. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về hành vi BLGĐ, sự tham gia của cộng đồng còn hạn chế, chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên.
Thực chất, BLGĐ là vấn đề mang tính xã hội, đại đa số nạn nhân là chị em phụ nữ. Chúng ta không nên coi đây là chuyện riêng tư của từng gia đình mà đó là vấn nạn bức xúc của xã hội. Vì thế, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Bên cạnh đó, rất cần những mái nhà chung, những địa chỉ tin cậy để giúp người bị BLGĐ tìm đến lánh nạn, được khuyên nhủ và tư vấn nhằm giúp họ yên tâm đoàn tụ với gia đình. Chị em cũng cần chủ động trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, chú ý đến kiến thức pháp luật, đặc biệt là kiến thức gia đình, làm đẹp bản thân và nuôi dạy con cái. Khi bị bạo hành không nên nín nhịn, bưng bít mà cần tìm đến cơ quan tư vấn, tìm đến sự giúp đỡ của người thân, của hàng xóm, các ban ngành đoàn thể để can thiệp kịp thời.
Bước vào hôn nhân, ai cũng muốn có một gia đình yên ấm. Nhưng trong cuộc sống thực tiễn “cơm, áo, gạo, tiền” mới nảy sinh nhiều vấn đề mà người trong cuộc không khéo léo xử trí sẽ rất dễ dẫn đến BLGĐ. Nguyên nhân BLGĐ thường do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật... Ðây là nhóm nguyên nhân được nhiều người đồng thuận nhất, bởi tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt. Và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi.
Đã đến lúc xã hội phải coi vấn đề BLGĐ không còn là chuyện của riêng mỗi người, mỗi nhà mà cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này. Việc phòng, chống BLGĐ phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, làm tốt công tác tư vấn hòa giải đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ BLGĐ, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Hoạt động truyền thông cần nêu rõ nguyên nhân BLGĐ là sự bất bình đẳng giới, là tư tưởng "trọng nam khinh nữ", phân biệt địa vị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình. Phấn đấu xây dựng các thiết chế gia đình bền vững cần được coi là giải pháp nội lực để phòng tránh BLGĐ. Người dân mong muốn các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể xây dựng được quy chế, quy ước của địa phương để thực hiện nhằm hạn chế tối đa mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột; tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
BLGĐ có sớm được đẩy lùi hay không, ngoài sự chung tay góp sức của xã hội và cộng đồng, mỗi chúng ta, nhất là chị em phụ nữ hãy cố gắng giữ cho gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi đoàn tụ sau những giờ làm việc căng thẳng của mỗi thành viên trong gia đình. “Đừng vung tay, hãy cầm tay” như lời nhắc nhở, như lời yêu cầu khẩn thiết về sự đoàn kết trong mỗi gia đình để đẩy lùi bạo hành. Điều này không chỉ đơn thuần là để xây dựng gia đình không bạo lực và bất bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa to lớn hơn, cao đẹp hơn là xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phát triển bền vững trên nền móng của những tế bào lành mạnh - gia đình hạnh phúc.