Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với hơn 63 triệu người (chiếm 69,5% dân số) trong độ tuổi lao động, mang lại nhiều lợi thế về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguồn lao động khổng lồ trong giai đoạn này không chỉ có nhiều cơ hội mà còn đặt ra không ít thách thức.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số nước ta năm 2015 là 91,70 triệu người, đạt mục tiêu Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam đặt ra đến năm 2015 dưới 93 triệu người. Cũng theo kết quả điều tra giữa kỳ dân số và nhà ở năm 2014, trung bình mỗi năm nước ta tăng khoảng 930.000 người, dự báo đến năm 2020, quy mô dân số sẽ dưới mức 98 triệu người, đạt mục tiêu chiến lược đề ra.
Kết quả cũng cho thấy, nhóm dân số trong độ tuổi lao động khá đông, trong số 100 dân có 56 người trong độ tuổi lao động, số người trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ em chưa đủ 14 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên) là 44 người. Tỷ lệ này cho thấy Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng khi số người phụ thuộc chiếm dưới 50%. Với cơ cấu dân số như vậy, Việt Nam đang có một lợi thế lớn để thực hiện thành công kế hoạch cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và sớm trở thành nước công nghiệp.
Trong giai đoạn dân số vàng dự kiến kéo dài đến năm 2050, Việt Nam sẽ sở hữu một lực lượng lao động trẻ hùng hậu, tạo ra lượng của cải vật chất khổng lồ, làm tăng thu nhập bình quân đầu người và tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội thích ứng với giai đoạn “dân số già”; phục vụ công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, cho sự chấn hưng và phát triển của dân tộc với phương châm đi tắt đón đầu.
Thực tế trên thế giới cho thấy, những lợi tức kinh tế mà cơ hội dân số vàng mang lại không hề nhỏ, đóng góp trên 30% cho tăng trưởng kinh tế ở một số nước. Điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc , Singapore đã tận dụng tốt cơ hội nhân khẩu học này làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế một cách ngoạn mục và trở thành những “con rồng châu Á”.
Nguồn lao động khổng lồ không chỉ mang lại những lợi thế mà còn đặt ra rất nhiều thách thức về việc làm cho 63 triệu người trong độ tuổi lao động. Hơn nữa, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, tay nghề, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý và ngay cả sức bền… là những thách thức rất lớn và nan giải. Đó là chưa kể đến việc đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 68,8%). Nếu phân theo khu vực kinh tế, lao động đang làm việc tại khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chiếm 44,3%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,9%; dịch vụ chiếm 32,8%. Mặc dù số người tham gia lao động lớn nhưng tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo chỉ đạt gần 22%, đặc biệt tại nông thôn chỉ đạt gần 14%. Do đó, nếu không giải quyết được vấn đề này, cơ hội từ thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam sẽ trở thành thách thức.
Cũng theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, giai đoạn chuyển từ già hóa dân số sang dân số già tại một số nước trên thế giới kéo dài nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, trong khi đó, ở Việt Nam , quá trình này mất từ 15 – 17 năm. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số “siêu già” khi tỷ lệ dân số ở độ tuổi 65 tuổi trở lên chiếm đến 26,1% trên tổng dân số cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần phải có những giải pháp nhanh chóng để tận dụng cơ hội do dân số vàng mang lại.
Để nâng cao khả năng phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề phải được nâng cao về chất lượng, thay đổi phương thức đào tạo, ngành nghề đào tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tăng năng suất lao động…
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách đầu tư và tái đầu tư cho phát triển, đặc biệt là cho con người, trước hết là giáo dục, y tế, dân số, chú trọng điều tiết quá trình di cư nhằm duy trì và phát triển lao động có trình độ, kỹ năng cho các vùng đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng, giảm tải các vùng có tích tụ dân số quá lớn. Mặt khác, để kéo dài thời kỳ dân số vàng cũng như làm chậm quá trình già hóa dân số, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ như duy trì mức sinh hợp lý, hạ mức sinh ở những tỉnh, vùng có mức sinh cao. Còn những tỉnh, vùng có mức sinh quá thấp cần chủ động điều chỉnh mức sinh duy trì xung quanh mức sinh thay thế, không để mức sinh rơi xuống quá thấp, tránh tình trạng thành công trong việc giảm mức sinh nhưng lại gặp khó khăn trong vực mức sinh.