Từ trước đến nay, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xóm đồng bào công giáo La Tú, xã Tân Khánh (Phú Bình) diễn ra rất phổ biến. Với quan niệm sinh đẻ tự nhiên, hầu hết các cặp vợ chồng ở đây đều không “mặn mà” với những biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Dù đã được chính quyền địa phương và các cán bộ phụ trách dân số tích cực tuyên truyền nhưng hàng năm, La Tú vẫn luôn nằm trong “top” đầu về xóm có tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên cao nhất của xã Tân Khánh.
Chúng tôi được bà Tạ Thị Liên, hiện đang là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Khánh đồng hành trong quá trình đi tác nghiệp thực hiện bài viết này. Lý do bà Liên được lãnh đạo xã Tân Khánh phân công đưa chúng tôi đi là bởi bà từng là một trong những cán bộ dân số xã sâu sát với địa bàn và có nhiều kinh nghiệm nhất. Trên đường đi, bà Liên cho biết: Tôi làm cán bộ phụ trách dân số ở xã Tân Khánh từ đầu năm 2000. Tính đến khi chuyển sang phụ trách công tác khác thì cũng có thâm niên hơn chục năm trong nghề nên tình hình dân số ở các xóm hầu như tôi đều thuộc như lòng bàn tay. Riêng đối với xóm La Tú, công tác truyền thông dân số ở đây có phần khó khăn và vất vả hơn. Người dân trong vùng không có tư tưởng trọng nam, khinh nữ hay các gia đình nhất định phải có con trai để nối dõi tông đường nhưng những người dân ở La Tú lại cho rằng sử dụng biện pháp tránh thai là trái với tự nhiên. Bởi thế các cặp vợ chồng gần như không sử dụng bất kỳ biện pháp nào. Từ thế hệ sinh năm 1977 trở về trước, trung bình mỗi gia đình đều có từ 4-6 người con, thậm chí có những gia đình sinh tới 10 người con. Ngày ấy, tôi thường xuyên đến từng gia đình để giải thích, vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 trở lên để tập trung phát triển kinh tế và nuôi dạy con cho tốt nhưng kết quả đạt được vẫn không đáng kể. Nhiều gia đình còn tỏ ra bất hợp tác bởi họ cho rằng đây là việc riêng của gia đình. Chính từ những suy nghĩ ấy mà tỷ lệ trẻ sinh con thứ 3 trở lên ở xóm La Tú rất khó giảm…
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thắm. Gặp chị, chúng tôi thực sự bất ngờ trước vẻ bề ngoài của người phụ nữ mới 28 tuổi có thân thể gầy gò, nước da đen sạm, gương mặt mệt mỏi và đã hằn nhiều nếp nhăn khiến chị Thắm nhìn như đã ngoài 40 tuổi. Chị chỉ vào 4 đứa trẻ mặt mũi lấm lem, quần áo lôi thôi đang nằm túm tụm trên một chiếc giường cũ rồi ngại ngùng nói: Đứa con lớn nhất của tôi năm nay học lớp 6, đứa nhỏ mới sinh được 1 tháng thôi. Nhà có 7 khẩu nhưng chỉ có 5 sào ruộng nên làm chẳng đủ ăn, chồng tôi phải đi làm thuê ở ngoài để lo cho các con ăn học nhưng lần nào đóng học phí cho các con, tôi vẫn phải vay mượn khắp nơi.
- Vợ chồng chị có định sinh thêm con nữa không? - Tôi hỏi. Chị Thắm đáp dè dặt: Cũng chưa biết được, cứ thuận theo tự nhiên thôi. Tôi cũng được tuyên truyền về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình đấy nhưng vợ chồng tôi rất ngại áp dụng.
Điểm dừng chân thứ 2 của chúng tôi là nhà chị Nguyễn Thị Dinh. Chị Dinh năm nay 40 tuổi, cũng đã có 4 mặt con. 2 người con đầu của chị đều chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ học ở nhà đi làm thuê, người con thứ 3 năm nay vào lớp 10 và con út đang học mẫu giáo. Trước đây, gia đình chị Dinh cũng thuộc diện hộ nghèo nhiều năm ở xóm và mới thoát nghèo gần 2 năm nay. Chị bảo: Biết là đông con sẽ dẫn tới nghèo đói nhưng do không áp dụng biện pháp tránh thai nên vợ chồng tôi hay bị nhỡ kế hoạch. Gia đình có 7 người nhưng chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng, miếng ăn còn phải chạy từng bữa nên vợ chồng tôi ít có thời gian quan tâm đến các con, vì thế chuyện học hành của chúng mới bị lỡ dở.
Được biết, xóm La Tú hiện có 166 hộ với 731 khẩu, 100% số dân đều là người Công giáo, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xóm là 76 hộ. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng do ruộng đất ít (trung bình mỗi nhân khẩu chưa được 1 sào ruộng), điều kiện sản xuất không thuận lợi nên đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, tình trạng sinh nhiều con của các gia đình là một trong những lực cản phát triển kinh tế ở xóm. Ông Nguyễn Văn Ca, Trưởng xóm La Tú ông có 8 người con, cho biết: Hiện nay, số hộ có 3 con trở lên trong xóm chiếm khoảng 70%. Do có đông con, cuộc sống khó khăn nên người dân trong xóm chỉ lo kiếm cái ăn, cái mặc, chuyện học hành của các cháu chưa được quan tâm, hơn 50% số trẻ em trong độ tuổi đi học của xóm chỉ học hết cấp 2. Người dân ở đây vẫn ý thức được sinh con đông là khổ nhưng hầu hết bà con đều theo đạo nên không áp dụng các biện pháp tránh thai.
Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, cộng tác viên dân số của xóm La Tú thì để tổ chức được một buổi truyền thông về dân số ở xóm là điều rất khó thực hiện, mà có thực hiện được thì hiệu quả cũng không cao. Cách đây khoảng 3 năm, xã Tân Khánh đã phối hợp với Trung tâm Dân số huyện Phú Bình tổ chức một buổi giao lưu tuyên truyền nhưng bà con đến nghe rất ít và không mấy hào hứng. Hiện nay, mỗi lần muốn tuyên truyền về dân số cho bà con, anh Mạnh đều phải tranh thủ lồng ghép vào những buổi họp xóm hoặc đến từng gia đình để vận động. Đối tượng mà anh ưu tiên hướng đến là những cặp vợ chồng mới sinh từ 1-2 con và những gia đình sinh con một bề. Khoảng 3-4 năm gần đây, tỷ lệ trẻ sinh con thứ 3 trở lên ở xóm có giảm hơn so với những năm trước nhưng vẫn còn diễn ra. Nếu như trước đây, trung bình mỗi năm có khoảng 7 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên thì những năm gần đây có từ 3-5 trường hợp/năm.
Làm thế nào để giảm tình trạng sinh con thứ 3 ở đây vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp uỷ chính quyền địa phương và ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động.