Bảo tồn và sử dụng có hiệu quả các bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn

09:04, 06/08/2016

Theo Hội Đông y Thừa Thiên - Huế, đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 15 chuyên đề sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn được bảo tồn và sử dụng để điều trị, chữa bệnh bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Trong đó, có 7 bài thuốc có trong dược điển là: Bổ trung ích khí thang, hoàn thập toàn đại bổ, hoàn bát trân, hoàn qui tì, hoàn bát vị, hoàn lục vị, sâm nhung bổ thận và các bài thuốc mang tính dược thiện, dược tửu, dược trà và mộc dục (tắm gội, xông hơi), chăm sóc sắc đẹp, lão hóa... được bảo tồn và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động y học cổ truyền trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phan Tấn Tô: Thái y viện triều Nguyễn là cơ quan y tế cấp Trung ương được hình thành từ thời Gia Long và hoàn chỉnh dưới thời Minh Mạng. Nhiệm vụ chính của Thái y viện là chăm sóc sức khỏe cho vua, hoàng gia, nội cung. Ngoài ra, còn khám chữa bệnh cho các đại quan tại kinh, những người phụng trực tại các điện miếu, lăng tẩm, binh lính, dân phu ở các công trường của triều đình, tham gia chống dịch bệnh ở các địa phương, mở trường dạy thuốc, tư vấn cho Thượng thiện sở khi chế biến thức ăn của vua, hoàng gia…

 

Những năm qua, các hoạt động sưu tầm, biên dịch, triển khai ứng dụng những bài thuốc, các phương pháp chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của y học cổ truyền Việt Nam nói chung và Thái y viện nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều tài liệu, ấn phẩm về y học cổ truyền của các triều đại Việt Nam, không kể các tài liệu đã được lưu trữ tốt tại các thư viện, những tài liệu còn lưu trữ trong nhân dân có thể còn rất nhiều và có nguy cơ hư hỏng, mất mát.

 

Nếu được kế thừa, phát huy các bài thuốc, Thái y viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động y dược cổ truyền, làm đa dạng và đặc sắc văn hóa địa phương, phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

 

Song vấn đề đặt ra hiện nay là việc nghiên cứu, phục hồi Thái y viện triều Nguyễn và sử dụng các bài thuốc cần được thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao, đáp ứng mục tiêu vừa gìn giữ, kế thừa tốt vai trò, vị trí của Thái y viện và giá trị của các bài thuốc vừa phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển du lịch. Theo đó, Hội Đông y tỉnh sưu tầm, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn. Ông Phan Tấn Tô cùng các cộng sự ở Hội đông y tỉnh đã dày công sưu tập tài liệu, tuyển chọn, biên dịch hơn 1.000 trang từ Hán Nôm tài liệu về bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn và liên quan ra tiếng Việt; thống kê, phân loại các bài thuốc và đề xuất hướng sử dụng theo 15 chuyên đề; trong đó, có 10 chuyên đề sử dụng bài thuốc cung đình và 5 chuyên đề sản xuất đặc sản cung đình. Có giá trị nhất là các tài liệu Châu bản triều Nguyễn Thái y viện về ngự dược và bản gốc sách thuốc ngự y triều Nguyễn.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Hội Đông y tỉnh còn phối hợp tổ chức không gian Thái y đường tại khuôn viên Phủ Nội vụ - Đại Nội Huế. Tại không gian này, các bác sĩ, lương y thuộc Hội Đông y tỉnh đã tái hiện hình ảnh các vị Thái y triều đình ngày xưa bắt mạch, bốc thuốc cho du khách theo đúng trình tự mà các thái y, ngự y xưa đã làm, tạo điểm hẹn ấn tượng thu hút du khách gần xa. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, phải xem Thái y viện triều Nguyễn là một sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, gắn kết giữa khám chữa bệnh và dịch vụ du lịch. Công tác phục dựng cần làm đúng nguyên bản, tại vị trí cũ (nằm cạnh khu vực Nhà hát Duyệt thị Đường, Đại Nội Huế) có phòng chẩn trị, phòng điều chế thuốc... tạo thành cơ sở uy tín có thương hiệu thu hút du khách mọi nơi. Nếu phát huy tốt, Thái y viện không những góp phần nâng cao chất lượng hoạt động y dược cổ truyền, mà còn làm phong phú, đa dạng và đặc sắc văn hóa địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch./.