Chủ động đối phó với diễn biến của Áp thấp nhiệt đới

17:36, 16/08/2016

UBND tỉnh vừa có Công điện số 125 ngày 16-8 về việc Chủ động đối phó với diễn biến của Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.

Thực hiện Công điện số 18/CĐ-TW hồi 6h30’ ngày 16-8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

 

Theo tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ chiều ngày 15-8, vùng áp thấp đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên thành bão. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua Bắc Bộ, từ ngày 16-8 đến 19-8, ở Bắc Bộ có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 350mm.

 

Để chủ động đối phó với diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ, tránh tư tưởng chủ quan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thị xã triển khai thực hiện một số nội dung sau:

 

1: Thường xuyên theo dõi , cập nhất tình hình mưa lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân biết, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, các khu vực có sông, suối nước lũ về để chủ động các biện pháp phòng tránh.

 

2. Tổ chức kiểm tra, rà soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp, các hầm lò khai thác khoáng sản, các bãi thải, các cầu tràn qua suối; chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời tứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

 

3. Tổ chức kiểm soát người và các phương tiện giao thông đi qua khu vực ngầm, tràn, sông, suối khi có mưa to, lũ về; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại tại các khu vực trên để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

 

4. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” tại các khu vực xung yếu nhất là các khu vực dễ bị chia cắt để sẵn sàng  ứng cứu khi có yêu cầu, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết.

 

5. Các sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi (bảo đảm an toàn đập, vận hành cửa van, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy và gần đầy nước để đảm bảo an toàn cho các công trình và khu vực hạ du), các hầm, mỏ khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, các bãi thải, khu chung cư cũ, các công trình xây dựng đang thi công...; phối hợp với các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu kịp thời.

 

6. Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tần suất, thời lượng phát song, đưa tìn kịp thời về dự báo, cảnh báo, công tác chỉ đạo đối phó với diễn biến của ATNĐ đề chính quyền các cấp ở địa phương và người dân lưu ý, theo dõi cập nhật thường xuyên, tránh tư tưởng chủ quan.

 

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh được phân công phụ trách các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra cơ sở, chỉ đạo sát sao công tác đối phó với diễn biến của ATNĐ.

 

7. Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và nắm vững thông tin, thường xuyên báo cáo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Điện thoại: 20803.737.113 và  20803.855.704.