Chủ động kiểm soát bệnh sốt xuất huyết

16:08, 12/08/2016

Theo số liệu từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay đã có 49.000 ca sốt xuất huyết (SXH) lan rộng tại 48 tỉnh thành, 17 ca tử vong. Đáng lưu ý, thời điểm này, dịch đang tăng mạnh tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Nam Bộ. Tại Thái Nguyên, tuy nguy cơ bùng phát dịch SXH tạm thời không cao nhưng các biện pháp phòng, chống dịch vẫn tiếp tục được đẩy mạnh nhằm chủ động kiểm soát tình hình bệnh dịch.

Đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thái Nguyên cho thấy, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh  ít phát hiện các ca mắc SXH lâm sàng, số ca phát hiện vi rút SXH Dengue cũng rất hiếm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới phát hiện 5 ca SXH lâm sàng và chưa phát hiện vi rút SXH Dengue. Tính từ năm 2012, trên địa bàn tỉnh không có ca tử vong do SXH. Theo Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh: Tại thời điểm hiện này, có thể đánh giá nguy cơ bùng phát dịch SXH ở Thái Nguyên ở mức thấp. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể chủ quan với diễn biến phức tạp của bệnh dịch. Thái Nguyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố dịch tễ như: ổ dịch cũ tại địa phương, tiếp giáp với các tỉnh, thành phố đã phát hiện vi rút SXH Dengue, lượng di biến dân cư lớn… Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh SXH đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới và hoàn toàn có thể xuất hiện tại Thái Nguyên, nguy cơ gây dịch cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt.

 

Để chủ động phòng chống dịch SXH, ngay từ đầu năm 2016, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã tham mưu với ngành Y tế ban hành kế hoạch phòng chống bệnh SXH một cách chủ động, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch SXH trên địa bàn. Cùng đó, tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh SXH; tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng và cán bộ làm công tác điều trị. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cấp trên 1 tấn Cloramin B để khử trùng môi trường và hơn 140 lít thuốc diệt muỗi cho các địa phương. Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị đã thành lập các đội cơ động phòng chống dịch thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng phun thuốc diệt muỗi nhằm khống chế các ổ dịch lan rộng, với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát và hạn chế tối đa số ca tử vong. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh được tăng cường, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao, không để SXH lan rộng thành dịch lớn. Trung tâm cũng đã tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm y tế các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện xử lý sớm ổ dịch SXH Dengue ngay từ những trường hợp mắc đầu tiên. Trung tâm đã phối hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc men, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch SXH trên địa bàn. Hiện nay, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đang tiến hành bắt muỗi, loăng quăng, bọ gậy để xác định véc tơ truyền bệnh từ đó đưa ra đánh giá chính xác về nguy cơ của các ổ dịch tại địa phương cũng như dự đoán mức độ dịch tễ của bệnh SXH trên địa bàn tỉnh.

 

Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh đã phát động và triển khai chiến dịch Vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH tại tất cả các địa phương trong toàn tỉnh. Theo đó, tập trung kêu gọi các ngành, các cấp và người dân cùng chung tay tham gia phòng, chống dịch do vi rút Zika và bệnh SXH thông qua những hành động đơn giản, thiết thực như tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng… Tuy vậy, qua kiểm tra cho thấy, mức độ triển khai chiến dịch tại các địa phương còn chưa đồng đều, một số địa phương còn chủ quan với tình hình bệnh dịch, nhiều nơi người dân còn hạn chế trong nhận biết về SXH cũng như các biện pháp phòng bệnh…

 

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Sự nguy hiểm của bệnh là ở chỗ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Để tích cực phòng chống bệnh SXH, các chuyên gia khuyến cáo: Biện pháp phòng bệnh SXH chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để thiết thực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa thường xuyên; ngủ màn; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà…