Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hậu quả nặng nề, đau thương của nó vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong từng mái nhà của các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Nhân kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, chúng ta cùng nhìn lại sự tàn khốc trong cuộc chiến và di họa dai dẳng của CĐDC, để từ đó thức tỉnh lòng nhân ái và chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dùng nhiều loại vũ khí hiện đại, đặc biệt là vũ khí hóa học được sử dụng trên diện rộng, để lại hậu quả rất lớn. Từ ngày 10-8-1961 đến 30-5-1971, quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam 80 triệu lít chất khai quang, chứa 366kg đi-ô-xin (một loại chất cực độc), làm cho 25% diện tích miền Nam bị ô nhiễm nặng nề; 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó 3 triệu người là NNCĐDC/đi-ô-xin. Hàng vạn người đã chết; hàng triệu người và con cháu của họ mắc những căn bệnh nan y, bị dị dạng, dị tật, phải sống trong đau đớn về thể xác, đau khổ về tinh thần và đói nghèo về vật chất bởi di chứng CĐDC.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng và qua điều tra, khảo sát của các cấp Hội NNCĐDC, trên địa bàn tỉnh ta có hàng chục nghìn người bị phơi nhiễm CĐDC/đi-ô-xin. Đặc biệt, con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi loại chất quái ác này nằm trong 10.620 hộ, trong đó 9.358 hộ có 1 nạn nhân, 924 hộ có 2 nạn nhân, 155 hộ có 3 nạn nhân, 11 hộ có 4 nạn nhân. Trong vòng 10 năm trở lại đây, những người bị ảnh hưởng bởi CĐDC/đi-ô-xin ra đi rất nhanh và nhiều, để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình và đồng đội. Số còn lại người thì gắng gỏi chống lại bệnh tật (kể cả những bệnh hiểm nghèo), người lại phải gồng mình chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa con kém may mắn vì bị dị dạng, dị tật. Sức lao động còn lại quá ít, thậm chí không còn, lại phải chi phí điều trị cho bệnh nhân, dưỡng dục những đứa con “không biết lớn” nên nhiều gia đình nạn nhân rơi vào nghèo đói túng thiếu, có gia đình nuôi 3-4 nạn nhân đã trở nên khánh kiệt. Vẫn còn nhiều người bị phơi nhiễm bởi CĐDC/đi-ô-xin nhưng chưa được giám định vì nhiều lý do khác nhau như thất lạc giấy tờ, hồ sơ bệnh tật chưa đầy đủ, một số bị bệnh theo danh mục bệnh tật quy định của Bộ Y tế nhưng thời gian điều trị còn ít, hoặc chưa đúng danh mục nên chưa được xem xét... Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NNCĐDC và những người bị phơi nhiễm chất độc hoá học, Hội NNCĐDC tỉnh đã và đang tích cực đề xuất với các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng quan tâm giải quyết chế độ cho những người bị phơi nhiễm. Đồng thời, Hội cũng tích cực tư vấn cho người bị phơi nhiễm làm thủ tục hồ sơ theo quy định của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Y tế để được giám định hưởng trợ cấp của Nhà nước.
Từ năm 2010, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức xong đại hội thành lập hội NNCĐDC và đi vào hoạt động. Các hội cơ sở tiếp tục phát triển chi hội ở từng tổ dân phố, thôn, bản, kết nạp hội viên, hội viên danh dự, tình nguyện viên. Đến nay Thái Nguyên có 1.052 chi hội, kết nạp được trên 11.000 hội viên, trong đó có hàng trăm hội viên, tình nguyện viên là các nhà hảo tâm, không phải là đối tượng NNCĐDC/đi-ô-xin. Vượt qua khó khăn về nhiều mặt, nhất là về kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc, các cấp Hội đã nỗ lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của các NNCĐDC. Sự tích cực hoạt động của các cấp Hội cũng như sự vào cuộc bằng những chương trình hành động thiết thực của cấp ủy, chính quyền các cấp, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chung tay chăm sóc, chia sẻ và cảm thông với NNCĐDC/đi-ô-xin.
Từ khi Hội NNCĐDC ra đời và được Đảng, Nhà nước giao thực hiện một số nhiệm vụ chính trị - xã hội, trong đó có việc huy động nguồn lực từ cộng đồng để giúp đỡ các nạn nhân, Hội NNCĐDC trên cả nước - trong đó có Thái Nguyên - được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc các cấp, sự giúp đỡ, đồng hành của các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và nhân dân. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2011 – 2016, NNCĐDC/đi-ô-xin trong tỉnh đã nhận được sự giúp đỡ bằng tiền và vật chất trị giá hơn 31 tỷ đồng, thông qua nhiều hình thức như thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết, ngày Vì NNCĐDC. Trong đó, bằng nguồn quỹ này, toàn tỉnh đã hỗ trợ kịp thời để xây mới và sửa chữa kiên cố 511 ngôi nhà cho nạn nhân, hỗ trợ gần 2.000 nạn nhân điều trị bệnh hiểm nghèo; khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho trên 25.000 nạn nhân; hỗ trợ vốn tăng gia sản xuất xóa đói giảm nghèo cho 1.640 nạn nhân; hỗ trợ sách giáo khoa và học bổng cho 659 cháu là con, cháu nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, Hội đã tặng hàng trăm xe lăn cho nạn nhân bị bại liệt…
Những việc làm thiết thực, hiệu quả này đã ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hội thường xuyên đón nhận và tiếp các đoàn khách quốc tế của các tổ chức phi chính phủ đến từ Mỹ, Đức, Thụy Điển và các đoàn Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đến thăm, động viên và giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp cho các NNCĐDC/đi-ô-xin. Có thể nói, sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội là rất đáng ghi nhận, phản ánh đúng bản chất tương thân, tương ái của dân tộc ta, góp phần tạo nguồn lực để xoa dịu nỗi đau da cam. 55 năm trôi qua, thế hệ nạn nhân trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi CĐDC/đi-ô-xin đến nay đã bước vào tuổi thất thập, sức khỏe yếu, di chứng kéo dài sang thế hệ sau đang là những trăn trở lớn của mỗi chúng ta trong thời bình hôm nay. Mỗi việc làm nghĩa cử cao đẹp vì NNCĐDC/đi-ô-xin cũng chính là cụ thể hóa chương trình hành động của Đảng thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”. Phát huy kết quả hoạt động thời gian qua, tin rằng các NNCĐDC/đi-ô-xin và gia đình họ sẽ tiếp tục được đón nhận sự sẻ chia, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ cộng đồng xã hội.