Có một Trung đội Dân quân Quyết thắng như thế

10:42, 26/08/2016

Một ngày Thu Tháng Tám lịch sử, tôi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với các chiến sĩ dân quân trong Câu lạc bộ Cựu dân quân đơn vị 271 miền Thanh Kim, ở xã Trung Thành (T.X Phổ Yên). Hơn 100 hội viên đang sinh hoạt trong CLB nay đều đã lên chức ông, bà nhưng ký ức về bao tháng ngày cùng chung sức đào hầm, đắp ụ pháo, tên lửa vất vả, gian khổ mà anh hùng trong những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc họ không thể nào quên.

Tự hào về quá khứ

 

Tháng 8-1964, Trung đội Dân quân miền Thanh Kim được thành lập trên cơ sở lực lượng dân quân các xóm Thanh Xuyên, Thanh Hoa và Kim Tỉnh với 66 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có gần 50 nữ. Trung đội biên chế thành 3 tiểu đội, trực chiến ở đồi Đá Trắng, Đồi Chợ, Đồi cụ Oai, Đồi B1, được trang bị 4 đại liên, nhiều khẩu K44 và một số súng trường để hỗ trợ bắn máy bay tầm thấp. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phổ Yên đã xác định đây là Trung đội dân quân mạnh của huyện khi cần sẽ huy động tham gia chiến đấu.

Chúng tôi cùng các thành viên CLB 271 đi thăm lại một số trận địa trực chiến của dân quân và bộ đội trong thời điểm Mỹ ném bom lên khu vực cầu Đa Phúc và Phổ Yên tại xã Trung Thành những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Đồi Chợ hôm nay trước là đồi bạch đàn mà lực lượng dân quân chặt cây, lá để ngụy trang trận địa. Đi trên dải đất bình yên, từng chiến sĩ dân quân năm xưa lại dõi mắt nhìn xa xăm, ký ức ùa về trong lòng họ, bồi hồi, xúc động.

 

Tại Trung Thành, vào khoảng tháng 7, tháng 8-1967, hai đoàn tên lửa được điều động về địa phương lúc 12h đêm. Ngay lúc đó, Trung đội dân quân miền Thanh Kim nhận nhiệm vụ trước 6h sáng phải hoàn thành việc ngụy trang, đào ụ pháo và tên lửa để hôm sau bộ đội sẵn sàng đón máy bay chiến đấu. Ông Hoàng Xuân Thừa, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân xóm Thanh Hoa kể: Nhận được lệnh, chúng tôi tập trung anh chị em, một nhóm cả đêm chặt cây ở đồi bạch đàn chất lên xe cải tiến chở đi ngụy trang các trận địa chiến đấu. Một nhóm khác tập trung đào, đắp 12 ụ pháo, tên lửa (rộng 2m, cao khoảng 1,8m) ở đồi Quán Trắng, Núi Sáo, Kim Tỉnh và vác vũ khí, đạn pháo lên trận địa. Khi công việc hoàn thành, cũng là lúc trời vừa sáng. Anh em tranh thủ nghỉ ngơi rồi lại trực chiến ở trận địa đón máy bay của địch, từ Tam Đảo sang oanh tạc ở cầu Đa Phúc, kho lương thực tỉnh, Trạm kho 3, Tổng kho 602... Cạnh trận địa Đồi Chợ tại xóm Thanh Xuyên 4 hiện nay là chiếc ao rộng - một trong những hố bom còn sót lại sau trận bom tấn đầu tiên của giặc Mỹ thả xuống phố Thanh Xuyên vào đầu tháng 5-1967. Tám quả bom với sức công phá ghê gớm đã làm chết 1 lái xe của đơn vị Tổng kho 3, cháy rụi 3 xe tải. Lực lượng dân quân miền Thanh Kim khi đó đã được lệnh tập trung cứu người, tài sản, hỗ trợ gia đình dân quân Nguyễn Thị Chung với 6 người bị sập hầm thoát nạn.

 

Nghe lời kể của các cựu dân quân, tôi hình dung về giai đoạn cả miền Bắc gồng mình chống trả những đợt tấn công của giặc Mỹ, khi ấy xã Trung Thành, Thuận Thành giáp cầu Đa Phúc là trục nối giao thông vùng Việt Bắc và Hà Nội đã trở thành “túi bom” hứng nhiều đợt tấn công bắn phá điên cuồng. Lịch sử còn ghi lại, tại xã Trung Thành, có 9 trận địa tên lửa và pháo cao xạ cùng 4 trận địa trực chiến của dân quân bằng súng bộ binh. Ngày 20-5-1967, một trận bom bi của giặc Mỹ thả xuống khu vực trung tâm miền Thanh Xuyên làm chết 16 chiến sĩ và dân thường, hàng chục người bị thương, trong đó có vợ của ông Trần Ngọc Bích, nguyên là Trung đội trưởng Trung đội Dân quân miền Thanh Kim. Bà Lê Thị Tế, chiến sĩ dân quân của Trung đội vẫn không thể quên thời khắc lịch sử đó. Bà nhớ lại: Khi ấy tôi đang đi làm hợp tác về không kịp xuống hầm trú ẩn và đã bị trúng bom bi, hiện tại trong người vẫn còn 3 viên, mỗi khi trái gió, trở trời vết thương ở lưng và cánh tay lại hành hạ.

 

Sau trận thả bom bi đó, 3 nữ dân quân của Trung đội dân quân miền Thanh Kim, trong đó có bà Thái Thị Lộc được lệnh thu hồi bom bi chưa nổ đi tiêu hủy cùng lực lượng công binh. Nhìn dáng người gầy, nhỏ bé của bà Lộc không ai có thể ngờ bà lại là một trong những nữ dân quân của Trung đội dân quân miền Thanh Kim có sức vóc hơn người, gánh vũ khí, đào hầm, hào, ụ pháo... phục vụ bộ đội chiến đấu. Bà kể: Tối ấy, nhận nhiệm vụ, tôi cùng chị Phương và chị Tuyết với 3 chiến sĩ công binh xắn quần móng lợn đi nhặt từng quả bom bi chưa nổ, nhẹ nhàng cho vào 2 xảo và gánh ra khu vực Đầm Bạc (Thanh Xuyên). Mỗi người khoảng hơn 10 chuyến mới hoàn thành, giao cho lực lượng công binh kích nổ tiêu hủy.

 

Ông Ngô Xuân Tiêu, năm nay gần 90 tuổi ở xóm Am Lâm, nguyên Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Trung Thành giai đoạn này kể lại: Với thành tích xuất sắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, năm 1971, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phong tặng Trung đội dân quân miền Thanh Kim là Trung đội Quyết thắng, ghi danh trong sổ vàng và tặng cờ lưu niệm. Trên cơ sở đó, Tỉnh đội đã ký quyết định thành lập Trung đội Dân quân 271 miền Thanh Kim, giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phổ Yên huấn luyện và chỉ đạo, Ban Chỉ huy Quân sự xã tổ chức biên chế.

 

Sau khi được mang tên Trung đội 271 Quyết thắng, những cán bộ dân quân miền Thanh Kim tiếp tục hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao như trực tiếp bắn máy bay địch, đảm bảo hoạt động an toàn cho nhiều đơn vị, kho tàng của tỉnh, trung ương đóng chân trên địa bàn, nhiều cá nhân được Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Tỉnh đội tặng giấy khen. Những chiến công của Trung đội dân quân 271 đã góp phần cùng với nhân dân của xã bảo vệ sự bình yên của quê hương. Năm 2005, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Trung Thành đã vinh dự được Nhà nước công nhận là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

 

Luôn sống tốt hôm nay

 

Ông Lê Quang Mưu, Phó Chủ nhiệm CLB  271 cho biết: Đầu năm 2012, anh em trong Trung đội dân quân 271 trước đây đã thống nhất xin ý kiến địa phương thành lập CLB để sinh hoạt với gần 100 người. Sau khi được UBND xã đồng ý, CLB xây dựng quy chế hoạt động, trên cơ sở luôn giữ vững phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ dân quân, chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia, làm gương cho con cháu trong các phong trào ở địa phương. 100% hội viên đạt gia đình văn hóa. Nhiều thành viên trong CLB đã và đang là cán bộ xóm, xã nhiệt tình và có trách nhiệm như ông Hoàng Văn Thừa, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm Thanh Hoa, ông Nguyễn Đình Bình là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã, ông Nguyễn Hồng Hà, Hội thẩm nhân dân của Tòa án Nhân dân T.X Phổ Yên... CLB đã xây dựng được chân quỹ trên 40 triệu đồng để duy trì sinh hoạt, chi thăm hỏi, giúp đỡ hội viên nhau khi có việc hiếu, hỷ.

 

Trong mấy năm gần đây, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Trung Thành đã triển khai xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là đường bê tông và nhà văn hóa các xóm, được nhân dân đồng thuận cao. Trong đó, ở CLB 271 có 10 người đã hiến hơn 700m2 đất canh tác, đập tường rào xây lùi lại nhường đất để xây dựng đường bê tông, như ông Phạm Quốc Oai, xóm Thanh Xuyên 5 hiến hơn 200m2; Nguyễn Hữu Nghị, xóm Thanh Xuyên 4 hiến hơn 100m2 đất; bà Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Thị Thanh, đều ở Kim Tỉnh hiến hơn 200m2 đất làm đường nội đồng... Ông Đàm Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Trung Thành đánh giá: CLB cựu dân quân đơn vị 271 miền Thanh Kim hoạt động rất tích cực. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã 3 lần được UBND xã tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong vận động hội viên hiến đất, góp tiền của, ngày công tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng Đền thờ liệt sĩ xã Trung Thành.

 

Trước khi chia tay, ông Nguyễn Hồng Hà thay mặt nói lên tâm nguyện của những thành viên CLB 271: Chúng tôi đã cống hiến hết mình cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, nhưng đến nay mới có 12 người được hưởng chế độ trợ cấp một lần (theo Quyết định 290 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách cho Dân quân tập trung ở miền Bắc từ ngày 27 tháng 1-1973 trở về trước trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước). Vì vậy, chúng tôi mong 56 bộ hồ sơ của các thành viên Trung đội Dân quân 271 thuộc diện được hưởng chế độ chính sách đã chuyển lên cấp trên sẽ nhanh chóng được giải quyết. Mỗi hội viên trong CLB cũng mong được tặng một kỷ niệm chương, đơn vị được trao tặng Huân chương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ để những người gần đất, xa trời thêm nguồn động viên tinh thần. Nay, chúng tôi đang làm các hồ sơ, thủ tục trình cấp trên.