Mỗi tác phẩm báo chí phát thanh, truyền hình (PT-TH) trước khi đến được với công chúng đều phải trải qua nhiều khâu của quá trình sản xuất. Khán giả thường chỉ biết đến tác giả là các biên tập viên, phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Nhưng sự thành công của mỗi tác phẩm PT-TH có sự đóng góp không nhỏ của những cán bộ kỹ thuật sản xuất hậu kỳ. Những con người ấy đang hàng ngày, hàng giờ miệt mài bên bàn dựng, lặng lẽ “canh” sóng, góp phần tạo nên một tác phẩm báo chí chân thực, sinh động nhất.
Theo đồng chí Trần Văn Xuân, Trưởng Phòng Kỹ thuật & Công nghệ Đài PT-TH tỉnh: Phòng Kỹ thuật và Công nghệ hiện nay có 42 cán bộ, trong đó có 24 đảng viên. Phòng đảm nhiệm 2 nhiệm vụ chính là sản xuất các chương trình PT-TH và truyền dẫn phát sóng. Trong quá trình sản xuất chương trình thì kỹ thuật dựng là khâu cuối cùng quan trọng quyết định chất lượng âm thanh, hình ảnh cũng như nội dung mà những phóng viên, biên tập viên muốn chuyển tải đến người xem. Theo đó, để những âm thanh rõ nét, hình ảnh đẹp, sống động, chân thực, đảm bảo thời lượng chương trình của các bản tin, phóng sự… đến với người xem thì toàn bộ ê kíp dựng phải tỉ mỉ lựa chọn từng khuôn hình phù hợp. Việc dựng khuôn hình không đơn thuần là sắp xếp lại hình ảnh mà còn phải biết kết hợp với âm thanh, các kỹ xảo, tư duy nghệ thuật… để tạo nên chuỗi hình ảnh có trật tự logic, đảm bảo tính thẩm mỹ, góp phần chuyển tải nội dung một cách chân thực và sống động nhất.
Ngoài yêu cầu tay nghề cao, thiết bị hiện đại thì người kỹ thuật viên trong cơ quan báo chí phải có tư duy báo chí, niềm đam mê, nắm vững các thông số về âm thanh, kỹ thuật và nhất là phải có tư duy có hệ thống về hình ảnh, chương trình muốn dàn dựng. Nếu như quay phim được ví như người đi chợ, thu mua thực phẩm thì công việc của đạo diễn, biên tập và kỹ thuật viên dựng hình lại như những người đầu bếp chế biến món ăn và sắp đặt mâm cỗ. Từ những hình ảnh thô, tiếng động hiện trường dưới ý đồ đạo diễn và qua bàn tay của các kỹ thuật viên dựng hình sẽ trở thành những thước phim sinh động và hấp dẫn, tạo nên một tác phẩm chân thực đưa tới người xem.
Hiện nay, chương trình phát sóng truyền hình trên kênh TN2 là 18/24h/ngày, kênh TN1 là 24/24h/ngày; chương trình phát thanh trên máy FM2kw đạt 13,5h/ngày. Hàng năm, Phòng Kỹ thuật Công nghệ thực hiện sản xuất và phát sóng 365 chương trình truyền hình địa phương và trên 70 chuyên mục, chuyên đề… Chất lượng âm thanh, hình ảnh của những tin tức thời sự, phóng sự, phim truyện…. đến được với người dân hay không cũng nhờ đến đội ngũ kỹ thuật viên truyền dẫn phát sóng. Theo đó, để đảm nhận toàn bộ việc truyền dẫn phát sóng, quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống cũng như quản lý tín hiệu lên vệ tinh VINASAT 1, VINASAT 2 và Truyền hình Cáp Việt Nam, MyTV, những kỹ thuật viên truyền dẫn phát sóng phải luôn bám sát công việc, tập trung cao độ, không để xảy ra sai sót, đảm bảo tín hiệu phát sóng ổn định 24/24h. Vậy nên các kỹ thuật viên phải thường xuyên thức thâu đêm để “canh” sóng.
Tâm sự về nghề, anh Đỗ Hà, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ phụ trách mảng truyền dẫn phát sóng vui vẻ nói: Lặng lẽ làm việc và không được mọi người biết đến nhưng chúng tôi rất vui vì đã góp phần đưa những âm thanh, hình ảnh tốt, sắc nét nhất phục vụ bạn nghe, bạn xem truyền hình. Trong các chương trình hiện nay, có rất nhiều chương trình được phát trực tiếp, yếu tố kỹ thuật đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Họ phải cùng với cùng với ê kíp đạo diễn, MC, biên tập viên làm việc căng thẳng, đảm bảo chương trình lên sóng kịp thời, không sai sót. Có những thời điểm chương trình, nhất là dịp lễ, tết, các sự kiện lớn của tỉnh, cả ê kíp phải thức trắng để làm việc. Buồn ngủ, mệt mỏi nhưng tất cả anh chị em đều động viên cùng nhau cố gắng vượt qua. Mặc dù là bộ phận kỹ thuật, nhưng tỷ lệ nữ của Phòng chiếm gần ½ quân số. Các chị em nữ đã khắc phục những khó khăn, nỗ lực cao hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ngoài công việc sản xuất các chương trình, truyền dẫn, phát sóng, Phòng Kỹ thuật và Công nghệ còn làm tốt công tác tham mưu trong việc xây dựng định hướng công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng. Lập các dự án thiết bị kỹ thuật sản xuất chương trình, thiết bị phát sóng PT-TH theo định hướng phát triển công nghệ của ngành phát thanh, truyền hình. Quản lý, khai thác và đảm bảo kỹ thuật cho toàn bộ hệ thống thiết bị sản xuất chương trình; các thiết bị truyền dẫn phát sóng PT-TH. Bên cạnh đó còn phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức thu thanh, ghi hình lưu động, thực hiện các chương trình PT-TH trực tiếp theo kế hoạch của Ban Giám đốc. Trung bình mỗi năm thực hiện từ 50-60 chương trình truyền hình trực tiếp. Thực hiện phát sóng các chương trình PT-TH địa phương, chuyển tiếp chương trình của Đài TW và các địa phương. Quản lý, theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật cho các Đài PT-TH cấp huyện. Với sự cố gắng không ngừng của tập thể Phòng Kỹ thuật và Công nghệ Đài PT-TH đã được ghi nhận và được Bộ Thông tin & Truyền thông, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen.
Nói đến nghề báo, người ta thường nhắc nhiều đến vai trò của đội ngũ phóng viên. Thực ra, bên cạnh đội ngũ nhà báo tác nghiệp xông xáo mọi lúc, mọi nơi, cũng còn có không ít những con người đảm nhận những công việc thầm lặng, với tinh thần tận tụy và lòng yêu nghề. Những người đảm nhận các công việc thầm lặng ấy chính là những bông hoa đẹp trong vườn hoa rộn ràng hương sắc của Đài PT-TH Thái Nguyên.