Chiếc xe máy đã dùng hơn 10 năm, bụi đất cáu bẩn của bác Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) huyện Phú Lương vẫn nổ máy và chạy băng băng vượt đồi núi, cắt qua những cánh đồng đưa chúng tôi đến thăm các gia đình nạn nhân CĐDC thuộc các xã Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành, Yên Trạch.
Vừa đi bác vừa kể: Bây giờ nạn nhân Da cam đều vào tuổi xưa nay hiếm hết rồi. Người trẻ nhất cũng thất thập cổ lai hy, còn đa số từ 80 trở lên trong tổng số trên 500 hội viên. Trong đó có gần nửa ốm đau, bệnh tật thường xuyên “biên chế” tại các cơ sở y tế và gần 100 đối tượng bệnh hiểm nghèo. Càng ngày điện thoại càng đổ chuông bất thình lình nhiều và xe máy cũng chạy đi xóm, xã nhiều hơn vì hội viên ốm đau nhiều hơn và cả mất cũng nhiều hơn. Nhưng còn sức, anh em cơ quan thường trực của huyện còn đi. Dù thế nào đi nữa cũng là nghĩa tình đồng đội, đồng ngũ, đồng chí ngoài chiến trường. Lúc trận mạc sống chết có nhau, xa lạ thì cũng đều xiết chặt tay kết nghĩa anh em. Nay trở về, sức khỏe yếu thì chỉ còn cách tìm đến thăm nhau, động viên nhau cho thêm nghị lực để vượt khó. Cứ như vậy, có tuần bác Chiến đi cả trăm cây số mà không biết mệt. Bác Trần Trọng Tuyên, Phó Chủ tịch Hội tâm sự: “Lâu lâu đồng đội cũ, đồng ngũ chúng tôi gặp nhau vui lắm, đau đớn, buồn tủi như được trút bỏ hết sau cái bắt tay và nụ cười sảng khoái vô tư như thời trai trẻ ngoài mặt trận năm nào”.
Đến xã Yên Trạch tìm vào nhà ông Mai Văn Kỷ, nạn nhân da cam. Dù nằm liệt tại chỗ đã vài năm, chân tay co và teo lại, nhưng ông tỏ ra rất phấn khởi vui chuyện. Ông Kỷ cho biết: Vì ảnh hưởng CĐDC, nên mỗi khi trái gió, trở trời, người lại nổi hằn mụn, cơ thể nóng ran như muốn cào rách da thịt từng mảng. Tắm nước lá cây, uống thuốc thì đỡ đi, nhưng người như mất hồn, phờ phạc không ngồi dậy được và cũng chẳng ăn được gì… vì vậy gia đình lo nên gọi điện báo vì nghĩ điều chẳng lành. Còn con trai thì cũng vậy, dù đã gần 40 tuổi nhưng càng ngày bệnh tình càng nặng hơn, da thịt nổi mụn xơ, nhiều khi không làm việc được, giờ cũng nằm tại chỗ.
Dầu vậy, câu chuyện giữa những người lính từ cuộc chiến trở về, cộng với sự góp mặt của những người hàng xóm khiến bầu không khí thêm sôi nổi.
Thăm hỏi động viên rồi lại chia tay về xã khác, đến gia đình khác… cứ như vậy, mỗi cuộc gặp gỡ như liều thuốc an thần cho các nạn nhân da cam. Năm qua (2011-2016) các bác trong cơ quan Hội nạn nhân CĐDC huyện đã đến gần 800 lượt bệnh nhân là đối tượng Da cam. Sự nhiệt tình và chân thành và thắm tình đồng chí, đồng đội đã tác động mạnh đến làng xóm và nhân dân địa phương, vì vậy đã thu hút ngày càng nhiều sự ủng hộ, quyên góp cũng như tham gia vào hoạt động của Hội.
Năm 2008, toàn huyện mới chỉ có hơn 200 hội viên, và toàn bộ là đối tượng nạn nhân da cam/dioxin, đến năm 2010 có thêm gần 100 hội viên nữa và đặc biệt chỉ trong hai năm (2014-2015) số hội viên đã tăng lên gần 500 người. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã có thêm 90 hội viên gia nhập Hội, trong đó có hàng trăm hội viên không thuộc diện nạn nhân hưởng chế độ da cam/dioxin mà là các doanh nhân, nhà hảo tâm, cựu chiến binh… Sự tham gia tích cực của các hội viện và các nhà hảo tâm đã tác động mạnh đến hoạt động của Hội, đặc biệt là trong hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ khó khăn đột xuất. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm toàn huyện thông qua hoạt động vận động của Hội Nạn nhân chất độc Da cam huy động quyên góp được gần 200 triệu đồng. Riêng năm 2015 đã huy động được trên 350 triệu đồng. Các địa phương nư xã Động Đạt, Ôn Lương có năm huy động xây dựng quỹ được trên 15 triệu đồng và kết nạp thêm trên 30 hội viên không phải là nạn nhân da cam/dioxin. Bằng nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, từ thiện, năm 2015, huyện đã làm mới, sửa chữa kiên cố được 10 căn nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thu được đến đâu, trực tiếp hỗ trợ ngay và kịp thời đến đó cho các đối tượng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay trong những tháng đầu năm 2016, Hội đã tổ chức làm mới và sửa chữa được 8 căn nhà trị giá trên 60 triệu đồng cho các hội viên.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, huyện Phú Lương đã tạo sự quan tâm trong xã hội. Sự quan tâm đó bắt nguồn từ những việc làm sâu nặng nghĩa tình, sẻ chia nỗi đau da cam. Từ cách làm đó đã góp phần thắp sáng niềm tin và hy vọng cho những hoàn cảnh khó khăn của các gia đình nạn nhân CĐDC /dioxin của huyện.