Sau hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ, về nghỉ hưu, ông bước vào thương trường. Ông đầu tư làm nhiều nghề ông thích, như: Thành lập Công ty khai thác vật liệu xây dựng; thành lập Công ty vệ sĩ rồi quay về làm các dịch vụ thể thao; ẩm thực, nhưng chẳng việc nào được như ý muốn. Cho đến cuối năm 2015, ông bắt tay vào làm công việc đốt rác thải tại địa phương. Việc làm này của ông được chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng đồng tình ủng hộ. Ông là cựu chiến binh Nguyễn Đức Thiện, xóm La Đành, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ).
Ông trẻ hơn tuổi 64 của mình rất nhiều. Ông trò chuyện chất phác, trung thực: Từ ngày đi nổ mìn khai thác đá (2002), ngày nào tôi cũng phải đi qua khu vực tập kết rác, thối kinh khủng. Từ khi ấy, tôi đã mong Nhà nước, hoặc ai đó xây dựng lò đốt rác thải, bảo đảm quy chuẩn về vệ sinh môi trường, mọi người dân sẽ không phải nín thở khi đi qua những chỗ đổ rác… Vậy mà sau hơn 10 năm, tôi lại là người đứng ra xử lý cái đống rác ấy.
Có lẽ vì “máu” làm ăn, nên ông Thiện nhìn đâu cũng có thể làm ra tiền. Nhưng việc ông Thiện đến với nghề “đốt rác, hốt bạc” như các cụ bảo ấy là duyên phận. Vì từ trước tới nay, có nhiều người đầu tư vốn vào cái nghề nghe thì dễ nhưng chất chứa đầy nghiệt ngã. Ông Phạm Nam Hưng, người bạn đồng hành cùng ông Thiện trong nghề đốt rác cho biết: Trước đây, có một số doanh nghiệp vận động chúng tôi lập đề án đốt rác thải để lấy tiền của Nhà nước. Nhưng chúng tôi không làm. Năm 2014, khi gặp đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Nhật Huyền Thái Nguyên, bàn việc xây dựng lò đốt rác thải tại địa phương, chúng tôi thấy Công ty này thật tâm vào cuộc, chúng tôi chấp nhận hợp tác.
Qua câu chuyện chúng tôi biết: Từ năm 2011, ông Hưng “đầu quân” theo ông Thiện làm ăn. Cả 2 đều chất phác, sòng phẳng nên nhanh chóng trở thành bạn tâm giao. Trong công việc, ông Thiện là người phác họa ra ý tưởng, còn ông Hưng ghi chép lại ý tưởng trên giấy, rồi cả 2 cùng lên phương án thực hiện. Để thành công khi bước vào nghề xử lý rác, năm 2004, ông Thiện và ông Hưng đã đến các tỉnh: Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Bắc Kạn… và các lò đốt rác thải trong tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, tìm hiểu về quy trình vận hành của lò đốt. Ông Hưng cho biết: Hơn 10 lò đốt rác chúng tôi đến thăm, cũng chỉ là để tham khảo. Nhưng qua đó, chúng tôi nhận ra một sự hà khắc của nghề đốt rác là có ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường không khí. Nếu việc xử lý chất thải của rác không đạt yêu cầu, ngay lập tức sẽ nhận được sự phản ứng quyết liệt của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Chợt ông Hưng bảo: Phải ra thực tế lò, tôi diễn giải các anh mới dễ hiểu…
Mất mươi phút chạy xe máy, chúng tôi đã có mặt tại lò đốt rác của ông Thiện và ông Hưng. Lò đốt rác được xây dựng bên ngả rẽ của xóm 5, thị trấn Sông Cầu. Cũng vừa lúc xe vận chyển mang rác từ các xã Minh Lập, Hòa Bình, Tân Long, Quang Sơn và thị trấn Sông Cầu về tới nơi. Rác được đổ xuống trước khu vực lò đốt, ướt sượt, bốc một mùi hôi thối khó chịu. Ông Hưng cho biết: Công suất lò đốt 8 tấn/ngày; cao điểm là 10 tấn/ngày (huyện hỗ trợ 200.000 đồng/tấn rác). Lò đốt hoạt động 24/24 giờ… 4 nhân công, chia 2 ca làm việc.
Nói xong, ông Hưng dẫn tôi đi xem toàn bộ hệ thống công trình lò và giới thiệu về quy trình hoạt động của lò đốt. Hết sức giản đơn, nhưng lò đốt rác này đã mang lại cho nhiều cán bộ chuyên môn trong ngành Môi trường những bất ngờ, thán phục. Ngày 20-11-2015, lò đốt rác này chính thức khai trương, đi vào hoạt động cùng lời cam kết với UBND huyện Đồng Hỷ: Trong trường hợp không đảm bảo các tiêu chí về môi trường, chúng tôi (Thiện và Hưng) sẽ có trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ công trình lò đốt trong thời hạn 30 ngày.
Nhiều người dân xóm 5, nơi gần khu vực xây dựng lò đốt rác của ông Thiện và ông Hưng cho biết: Nhờ lò đốt rác đi vào hoạt động, dân chúng tôi không phải sống chung với rác như trước đây. Chúng tôi đã được hít thở không khí trong lành. Tôi cũng gật gù tự nhận xét: Rác hôi thối là thế, nhưng chất thải của rác là khói khi trở lại môi trường tự nhiên gần như không có mùi. Ông Thiện giải thích đơn giản: Chúng tôi xây dựng lò theo công nghệ tuần hoàn nhiệt, nên tận dụng được nhiệt lượng để đốt rác. Còn ông Hưng cho biết cụ thể hơn: Tôi là kỹ sư Tự Động hóa, học bên nước Úc. Tôi đọc, dịch thành thạo ngoại ngữ Anh và Nga. Khi thiết kế lò đốt rác này, tôi đã đọc hàng nghìn trang sách liên quan về lò đốt bằng chữ nước ngoài.
Từ lý thuyết sách vở và thực tế trải nghiệm, ông Hưng xây dựng thành công bản thiết kế và công nghệ lò đốt rác theo kiểu của riêng mình. Ông Hưng đã dựa trên các hiện tượng tự nhiên xảy ra trong cuộc sống; dựa trên nguyên lý đối lưu không khí; các hiện tượng dẫn nhiệt, tích nhiệt và xử lý khí bụi. Kết quả lò hoạt động đạt yêu cầu theo tính toán ban đầu, như về nguyên lý hoạt động của lò đốt: Lò sơ cấp đạt nhiệt lượng trên 700 độ C (quy chuẩn Nhà nước 400 độ); lò thứ cấp đạt 1.110 độ C (quy chuẩn Nhà nước đạt 900 độ C). Do lò đốt có nhiệt độ cao, nên sản phẩm sau đốt, tức là khói, bụi và một số chất độc hại được xử lý khá triệt để. Đặc biệt, khói được kéo dài thời gian lưu lại trong vùng cháy hơn 4 giây (quy chuẩn Nhà nước là 2 giây), do đó nhiệt độ trong lò tiếp tục đốt cháy những vật nặng trong khói (bồ hóng).
Đưa chúng tôi đến thăm công đoạn cuối của hệ thống xử lý của lò đốt, ông Hưng cho biết thêm: Đây là bể khử bụi. Bể xây dựng vận dụng tốc độ hiện tượng gia tốc vùng đối lưu. Trong bể có hệ thống giảm tốc độ khói và được lắp đặt thêm hệ thống pep phun sử dụng nước vôi, làm hạt bụi rơi xuống không gian có chứa nước. Chính vì thế mà hệ thống lò đốt này quản lý được khói, bụi. Ông Hưng cho biết thêm: Trước khi đưa khí thải của lò đốt rác ra môi trường tự nhiên, chúng tôi còn cho khói qua công đoạn giải nhiệt, làm nguội khói, rồi đưa sang khu vực hấp phụ, xử lý. Còn ông Thiện phấn chấn mở cặp, lấy cho chúng tôi xem văn bản làm việc của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng Cục Môi trường), ngày 13-6-2016. Trung tâm đưa ra kết luận: “Chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, VIMCERTS 027”.
Ông thở phào, nở nụ cười hồn hậu rồi quay lại trò chuyện cùng mấy bác nhân công. Tôi thấy họ nói cười tươi tắn như ở đây không hề có... mùi thiu của rác, mà chỉ có ngọn lửa tự thiêu đi những rác bẩn của đời, để từ đây, rác được hồi sinh sang một sản phẩm khác - phân bón cho cây trồng.