“Không chỉ đi đầu trong mọi hoạt động tại địa phương, bà Bằng còn năng nổ vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động. Bà là người có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật, vận động đồng bào các dân tộc trong xóm tích cực thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đồng chí Mông Đình Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ (Định Hóa) giới thiệu với chúng tôi về bà Lý Thị Bằng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm Đồng Keng.
Tiếp xúc với bà Bằng, chúng tôi ấn tượng bởi sự sôi nổi và nhiệt huyết của người phụ nữ Sán Chí đã ở tuổi lục tuần. Bà kể: Tôi là giáo viên nghỉ hưu năm 2009. Đến năm 2010, tôi được các đảng viên trong Chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm. Đồng Keng hiện có 43 hộ, 260 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng. Vào thời điểm mới nhận nhiệm vụ, tôi rất lo lắng vì Đồng Keng là một xóm nghèo còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, hoạt động đoàn thể chưa đi vào nề nếp, các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp thường xuyên xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và an ninh trật tự của xóm.
Để giải quyết thực trạng trên, bà Bằng đã họp với Chi bộ, phân những hạn chế, tồn tại của xóm ra thành các nhóm vấn đề khác nhau để ưu tiên giải quyết. Bà quan niệm, xây dựng Chi bộ vững mạnh sẽ là nền tảng, chỗ dựa vững chắc cho các tổ chức đoàn thể để nâng cao chất lượng hoạt động cũng như thực hiện hiệu quả công tác vận động nhân dân trong thi đua lao động, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Do vậy, trong mọi vấn đề của xóm, bà Bằng đều tổ chức họp Chi bộ, đưa ra vấn đề để các đảng viên bàn bạc và thống nhất cách giải quyết. Bà kể: Bản thân tôi đã tự đi học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác, trao đổi với các bí thư chi bộ có nhiều kinh nghiệm và tìm hiểu những cách làm hay thông qua sách, báo, bản tin… Sau khi tổng hợp một số cách làm hay, phù hợp với tình hình của xóm, tôi đã bàn bạc với Chi bộ và xác định, để giải quyết những khó khăn của xóm, việc đầu tiên là phải tạo được sự đồng tâm, nhất trí trong nhân dân. Do đó, bà đã cùng với Chi bộ xóm đã tiến hành củng cố các tổ chức đoàn thể. Đến cuối năm 2010, các đoàn thể trong xóm, như: Chi hội Phụ Nữ, Đoàn Thanh niên, Chi hội Người cao tuổi… đã tổ chức sinh hoạt thường xuyên, xây dựng các chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Để giúp bà con thoát nghèo, bà Bằng cũng với Chi bộ và các đoàn thể trong xóm đã vận động nhân dân tranh thủ tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình như: 134, 135, 167, nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ, thanh niên phát triển kinh tế… Bà năng nổ liên hệ với xã và Trạm Khuyến nông huyện đề xuất mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, đưa các loại cây, con năng suất cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, số hộ nghèo đã giảm từ 15 hộ (năm 2010) xuống còn 5 hộ (năm 2015). Dưới sự chỉ đạo, giám sát của Chi bộ, các đoàn thể trong xóm cũng đã xây dựng các mô hình hội viên giúp nhau làm kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Một trong những yếu tố mà bà Bằng đặc biệt chú trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đó là lấy sự gương mẫu, đi đầu của đảng viên làm nòng cốt, từ đó tạo sự lan tỏa tới quần chúng nhân dân. Điển hình như trong vận động nhân dân hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ sự thống nhất của toàn bộ đảng viên, Chi bộ xóm Đồng Keng đã xây dựng nghị quyết và mở hội nghị xóm để triển khai, thống nhất phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chi bộ cùng các đoàn thể xã hội trong thôn tiếp tục là nòng cốt truyên truyền. Bà Bằng còn đến từng hộ dân để trao đổi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ để tìm cách vận động, tuyên truyền hợp lý. Bà bộc bạch: Nhiều người chê tôi “Hiện nay, đã là thời đại công nghệ thông tin toàn cầu rồi mà còn đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Tuy nhiên, do xóm đông đồng bào dân tộc, các hộ ở cách xa nhau mà nhiều khi thông tin qua loa hoặc điện thoại không thể đẩy đủ nên tôi vẫn phải đến trực tiếp nhà dân để tuyên truyền, vận động.
Sau một thời gian kiên trì vận động, đồng bào trong xóm đã hiểu rõ và tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức làm gần 1km đường bê tông, mua đất và xây dựng nhà văn hóa xóm trị giá 120 triệu đồng (trong đó nhân dân trong xóm đóng góp 100 triệu đồng). Được biết, sắp tới, xóm Đồng Keng sẽ xây dựng hơn 1km đường bê tông nông thôn, đối ứng làm mới và sửa chữa hệ thống kênh mương trong xóm. Chủ trương này đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Năm 2010, bà Bằng đã đề xuất và cùng với Chi bộ, các đoàn thể và các cụ cao niên trong xóm xây dựng hương ước xóm Đồng Keng. Nội dung hương ước gồm các quy định về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đổi mới việc cưới, việc tang, giờ giấc sinh hoạt trong xóm… Hương ước đã được nhân dân đồng tình và thực hiện nghiêm túc, đời sống sinh hoạt ở xóm nhờ đó dần đi vào nề nếp. Bà Bằng còn nghĩ ra sáng kiến thành lập Tổ công an xóm do đồng chí Công an viên là Tổ trưởng để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Phụ cấp của các thành viên trong Tổ do nhân dân trong xóm đóng góp. Nhờ vậy, tình hình trật tự trong xóm đã ổn đình, xóm không còn tình trạng bạo lực gia đình, nạn trộm cắp hiếm khi xảy ra.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong xóm Đồng Keng, bà Bằng là một trong những người được đồng bào nể trọng bởi lối sống gương mẫu, nhiệt tình trong những phong trào của địa phương. Bà là người Bí thư Chi bộ gần dân, hiểu dân, người “truyền lửa” cho mọi hoạt động vì lợi ích của nhân dân xóm Đồng Keng.