Tiên phong trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo

16:30, 22/08/2016

Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, những cựu chiến binh (CCB) huyện Đồng Hỷ tiếp tục phát huy truyền thống “bộ đội cụ Hồ”, gương mẫu, tiên phong trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Họ là những tấm gương sáng giữa cuộc đời bình dị, ngoài việc biết làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội, họ còn tích cực giúp đỡ bà con chòm xóm vươn lên thoát nghèo.

Ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch Hội CCB huyện Đồng Hỷ cho biết: Theo báo cáo từ các cơ sở hội, hiện trên địa bàn huyện có 255 CCB làm kinh tế giỏi, đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Điều phấn khởi là trong hoạt động công tác Hội, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã trở thành một trong những hoạt động lớn, thu hút được đông đảo hội viên CCB tham gia.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Từ 5 năm gần đây, phong trào này đã trở thành động lực to lớn, nguồn cổ vũ lớn thôi thúc các CCB vươn lên khắc phục khó khăn, chịu khó học hỏi, mạnh dạn đầu tư, hăng hái đi đầu trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngay ở mô hình kinh tế của gia đình mình. Nhiều CCB còn nghiên cứu, nắm bắt thị trường, mở mang dịch vụ thương mại, mở rộng ngành nghề, phát triển tiểu thủ công nghiệp, sản xuất công nghiệp. Điển hình như gia đình các CCB: Kiều Xuân Bình, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân khai thác khoáng sản; Nguyễn Công Huyên, kinh doanh vật liệu xây dựng; Nghiêm Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải… đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

 

Nhiều CCB trên thân thể còn mang vết thương đạn bom; chất độc da cam; căn bệnh sốt rét rừng, nhưng chẳng nề nan gian khó, luôn tiên phong, xông xáo trong việc phát triển kinh tế. CCB Đào Khả Sảnh, thị trấn Sông Cầu, thương binh hạng 4/4 là một minh chứng. Từ kinh doanh du lịch lữ hành, mỗi năm ông đạt doanh thu hàng tỷ đồng. Để mở mang hoạt động trên thương trường, từ năm 2011 đến nay, ông đầu tư 15 tỷ đồng mua sắm phương tiện vận chuyển cao cấp, xe ô tô đời mới. Xây dựng trụ sở văn phòng rộng hơn 700m2; xây dựng xưởng sửa chữa xe ô tô rộng hơn 1.000m2, tạo việc làm cho hơn 40 lao động với mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Cũng ở thị trấn Sông Cầu, CCB Nguyễn Quang Tiếp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, với quy mô 1.200 con lợn nái, đạt thu nhập từ 7 đến 7,5 tỷ đồng/năm.

 

Mỗi CCB có một “con đường trở thành triệu phú” khác nhau, nhưng họ giống nhau ở nghị lực, niềm tin vào chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước và là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ví như các CCB Nguyễn Ngọc Bắc, Vi Xuân Dũng, xã Khe Mo; Phạm Bá Cường, xã Hòa Bình đã mạnh dạn chuyển đất vườn tạp sang trồng chè giống mới. Từ cách làm này đã mang lại cho gia đình họ cuộc sống ổn định, với mức thu nhập đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/hộ/năm.

 

Cùng các mô hình sản xuất chè chất lượng cao, nhiều CCB đầu tư vào trồng rừng, chế biến lâm sản. Theo số liệu tổng hợp của Hội CCB huyện Đồng Hỷ, tại thời điểm tháng 8-2016 này, toàn huyện có hơn 500 gia đình CCB đang quản lý từ 0,5 đến 10 ha rừng từ 4 đến 7 năm tuổi. Nhiều CCB đã dựa vào lợi thế nghề rừng để làm giàu, như gia đình các CCB: Bùi Văn Hanh (Tân Lợi); Dương Văn Huy và Dương Quang Đông, cùng ở xã Tân Long kết hợp trồng rừng, nuôi ong, chăn thả gia súc, nuôi con đặc sản là dê, lợn rừng… đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

 

Còn nhiều nữa những CCB triệu phú đang sống và cống hiến cho quê hương Đồng Hỷ. Tất cả họ, trong chiến tranh hay ở thời bình, bản chất “người lính cụ Hồ” luôn ngời sáng trong tâm tưởng và ngọn lửa nhiệt huyết luôn bừng cháy ở trái tim những người lính năm xưa, điều đó thể hiện bằng những hành động cụ thể ở ngay trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của người CCB ở thời bình.