Qua 12 năm hoạt động, Trung tâm Điều dưỡng người có công (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh) đã tiếp đón và phục vụ hàng chục nghìn lượt Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương, bệnh binh và người có công đến điều dưỡng. Hoạt động của đơn vị đã đáp ứng được yêu cầu chăm sóc người có công, góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp Đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Đến thăm Trung tâm Điều dưỡng người có công nằm trên địa bàn xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) vào một ngày đầu Thu, nụ cười vui tươi, tiếng trò chuyện thân tình của những thương, bệnh binh, người có công là những điều dễ nhận thấy nhất ở đây. Có lẽ, hiếm có nơi nào tập trung đông người cao tuổi vui vẻ, yêu đời như ở nơi đây.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Đồng Thị Lưu, 78 tuổi (là vợ liệt sĩ) ở xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương (Phú Bình), cho biết: Chồng bà là liệt sĩ Dương Hữu Ổn, hy sinh năm 1970 ở chiến trường miền Nam. Khi ấy, bà Lưu mới ngoài 20 tuổi, bà đã ở vậy nuôi ba người con gái trưởng thành, lập gia đình và ra ở riêng. Bà bảo: Đến Trung tâm, tôi rất vui vì được sống trong khu nhà ở thoáng mát, không khí trong lành. Hơn nữa, đến điều dưỡng ở đây tôi được gặp gỡ, tâm sự với những người có cùng hoàn cảnh là người có công khiến cho tinh thần vui vẻ và lạc quan hơn.
Còn bà Bà Dương Thị Cải, 73 tuổi, là vợ liệt sĩ Dương Quang Vân ở xóm Tân Sơn xã Xuân Phương (Phú Bình) thì đây là lần thứ 2 bà được đến Trung tâm để điều dưỡng. Lần đầu bà được đi cách đây đã 4 năm, giờ trở lại thấy nhiều thứ đổi khác, đường đi lối lại trong Trung tâm được quy hoạch, đổ bê tông sạch sẽ, đường nối giữa các nhà nghỉ với nhau và với khu bếp ăn đều có mái che thoáng mát. “Đến nghỉ dưỡng ở đây tôi vui lắm. Tôi được gặp gỡ những người bạn cùng xã đã lâu mới có dịp gặp nhau; tôi được sống trong không gian trong lành, thoáng đãng và được các cán bộ ở đây chăm sóc sức khỏe thường xuyên.” – bà Cải nói.
Được biết, đây là đợt nghỉ dưỡng của những người có công trên địa bàn huyện Phú Bình vừa mới đến Trung tâm được 4 ngày. Theo kế hoạch, Trung tâm thường tổ chức đón mỗi đợt 50-70 người ở một địa phương để vừa để thuận tiện cho huyện trong tổ chức đưa đón người có công, vừa là các cụ có quen biết nhau sẽ dễ dàng chuyện trò, gần gũi. Mỗi kỳ nghỉ có 5 ngày, người có công được tham gia vào nhiều hoạt động, như: Tham quan khu du lịch Hồ Núi Cốc; tập luyện cầu lông, bóng bàn, cờ tướng; tập luyện tại phòng phục hồi chức năng với các dụng cụ mát xa toàn thân, lắc vòng, máy chạy bộ, đạp xe; giao lưu văn nghệ với Chi đoàn Thanh niên, hát karaoke màn hình lớn tại hội trường...
Tất bật chuẩn bị cho chương trình văn nghệ giao lưu với Chi đoàn Thanh niên Trung tâm vào tối ngày thứ Tư, điều dưỡng, thương binh Nguyễn Tấn Cơ, 69 tuổi là Trưởng đoàn người có công huyện Phú Bình cho biết: Đoàn chúng tôi đi đợt này có gần 70 người có công. Mỗi lần đi điều dưỡng, tôi cùng đồng đội đều rất vui mừng, phấn khởi. Ở đây 4 ngày rồi, chúng tôi vừa được nghỉ ngơi, chăm sóc, bồi dưỡng; được gặp lại đồng đội, đồng chí cùng chuyện trò, ôn lại kỷ niệm xưa và tâm sự chia sẻ những điều trong cuộc sống hiện tại. Ngoài không khí thân mật, ấm cúng như gia đình và sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các cán bộ, nhân viên Trung tâm, chúng tôi còn được tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa, thể thao làm cho tinh thần vui vẻ, thể trạng mạnh khỏe hơn.
Trung tâm Điều dưỡng người có công được thành lập từ năm 2004 với chỉ tiêu 50 giường nghỉ, đến nay, sau 12 năm hoạt động, Trung tâm đã được nâng lên 70 giường. Mỗi năm, Trung tâm tiếp đón trên 2 nghìn người có công đến nghỉ dưỡng; mỗi đợt điều dưỡng là 5 ngày. Tính riêng những tháng đầu năm 2016, Trung tâm đã đón tiếp, điều dưỡng cho trên 1,1 nghìn người có công. Bà Lục Thị Mai Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Người có công đến điều dưỡng được Trung tâm phổ biến, thông báo cụ thể tiêu chuẩn, chế độ, thời gian điều dưỡng và nội quy hoạt động. Người có công đến điều dưỡng được theo dõi sức khỏe, chế độ ăn uống, hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng… Ban Giám đốc Trung tâm đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng nhân viên phục vụ người có công từ đồ ăn, thức uống phải bảo đảm an toàn vệ sinh, giàu dinh dưỡng. Khi đưa khách về phòng nghỉ phải hỗ trợ, hướng dẫn người có công sử dụng các trang thiết bị sinh hoạt, tập luyện thật cụ thể, tận tình và trách nhiệm. Chúng tôi cho rằng, những người có công đến với Trung tâm đều là những người phải chịu nhiều thiệt thòi, vì vậy, tất cả cán bộ, nhân viên của đơn vị đều cố gắng phục vụ hết mình, không quản sớm hôm, ngày nghỉ để giúp người có công có giấc ngủ ngon, bữa ăn hợp khẩu vị... với mong muốn bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh của người có công trong các cuộc kháng chiến giành độc lập cho Tổ quốc.