Vượt qua lệ làng

10:58, 25/08/2016

Bài trừ những hủ tục, nếp sống lạc hậu trong cộng đồng dân cư không thể bằng các quy định mang tính hành chính, nhưng phân tích cho mọi người thấy được ưu và nhược điểm thì sẽ được mọi người chấp thuận. Với phương châm kiên trì vận động, “mưa dầm thấm sâu” phân tích đến từng đối tượng, hộ gia đình và bản thân cán bộ gương mẫu đi đầu, Ban Công tác Mặt trận xóm Tam Thái (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) đã góp phần xây dựng nên khu dân cư điển hình tiên tiến nơi đây.

Xóm Tam Thái có 175 hộ dân với trên 670 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu và dân tộc Ngái. Từ năm 2013 trở lại đây, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tam Thái đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% xuống còn dưới 1%,  kết cấu hạ tầng nông thôn được bà con nhân dân chung sức đầu tư hàng tỷ đồng, mỗi năm làm mới trên 1km đường bê tông liên cụm dân cư và đường nội đồng, tạo nên diện mạo của nông thôn mới.

 

Đồng chí Lê Văn Thanh, Bí thư Chi bộ giới thiệu với chúng tôi: “Tam Thái là xóm thuần nông, trước đây nghèo lắm vì đồng đất cát khô, và có nhiều chân ruộng cao thiếu nước, nên bà con nhân dân chỉ làm được một vụ lúa mùa, thời gian còn lại nông nhàn, mọi người rời làng đi khắp nơi làm thuê, nhưng cuộc sống vẫn nghèo khó. Nghèo còn có một lý do nữa là chưa mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, tập quán sản xuất cũ, chỉ làm một vụ lúa, thu hoạch xong, ruộng vườn thành bãi thả rông trâu, bò, nên kìm hãm sản xuất, đồng đất bỏ hoang… Đã nghèo, đời sống tinh thần lại nặng nề hủ tục. Đám ma kéo dài hàng tuần, đám cưới con cháu trong họ cứ quy đầu lợn ra mừng, ăn không hết bỏ chum ướp muối; Lễ đầy tháng cho trẻ cũng mừng bằng đầu lợn, Lễ trưởng thành thì đón rước thầy cúng làm lễ đến 3-4 ngày… Ăn uống quên việc đồng áng luôn. Chúng tôi đều biết là lạc hậu, nhất là những người từng là cựu quân nhân, cựu chiến binh khi trở về thấy muốn đổi thay lắm nhưng không thể ra lệnh được. Nhưng rồi phải có gia đình, dòng họ mạnh dạn gương mẫu và vận động mới có sự đổi thay”.

 

Bên ấm trà nóng, bác Nông Đức Hậu, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm tâm sự: “Ở đâu cũng vậy, đất có lề, quê có thói! Nhưng có những “lề - thói” là lối sống, là văn hóa từ lâu đời cần được gìn giữ và phát huy. Ví dụ như: Mừng thọ, ăn mừng gạo mới tháng Mười... thì không thể coi là lãng phí hay sa đà. Nhưng đám hiếu ăn cỗ triền miên, rồi thả tiền âm, vàng mã là lạc hậu, là lãng phí, cần bài trừ”. Câu chuyện về thực hiện nếp sống văn hóa mới được bác Thắng nhớ lại: Trước đây, trong làng không may có một người về cõi tiên tổ, là cả làng đến phúng, viếng. Cứ đến là gia chủ dọn mâm, đủ cỗ bàn, rượu thịt... Gia chủ đau xót, bối rối việc nhà lại còn toan lo khách viếng. Không chu đáo là bị thất lễ, mang tiếng cho cả họ hàng. Thế rồi như cái nợ đồng lần, đến ai thì ráng chịu, không có thì vay mượn cho đủ lễ, phải phép. Và không ít gia cảnh lâm vào khốn khó sau mỗi đám hiếu. Sau nhiều cuộc họp triển khai thực hành tiết kiệm, nhưng đụng đến nhà ai thì lại thấy khó ăn, khó nói. Thế rồi, Chi ủy, Ban Công tác Mặt trận quyết định: Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, bắt đầu thực hiện từ nội tộc nhà mình, rồi quy định đám chỉ tổ chức không quá 36 tiếng; gia chủ chỉ tổ chức ăn cơm trưa vào 11h, tối sau 6h, tuyệt đối cán bộ không phải con cháu, sau khi viếng xong phải về làm việc... Ban đầu các cụ cao niên còn lên án, nhưng rồi con cháu đi làm ăn xa về thấy như vậy quá rườm rà, ảnh hưởng công việc... nên vận động các cụ nghe theo. Dần dần trở thành quy ước của xóm và ai cũng thấy đúng đắn”.

 

Xong quy chế việc tang lễ và cưới hỏi theo đúng tinh thần tiết kiệm và trang trọng, thì đến việc đưa đám ra đồng. Bác Hậu kể lại: “Mỗi lần đưa đám, tiền âm, vàng mã vãi khắp xóm như là thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với người đã khuất. Thật lãng phí và rác bẩn. Sau khi nghiên cứu các tài liệu về lễ, nghĩa với người đã khuất, tôi cùng Chi ủy đã đến ngay nhà người trong họ vận động: Mọi thứ đều hóa vàng thì mới gửi về đến người thế giới bên kia, tiền âm, vàng mã muốn đến các cụ thì phải hóa cho sạch, còn vương cõi trần là không thể đến được... Thấy phải mọi người hưởng ứng, đồng thời chấm dứt việc vãi tiền âm, vàng mã ra đường”. Từ cách vận động này Ban Công tác Mặt trận cũng bổ sung quy ước vệ sinh môi trường khu dân cư... bảo đảm đường làng sạch sẽ hàng ngày, mỗi hộ dân hàng năm có trách nhiệm đóng góp quỹ bảo vệ môi trường cho xóm. Cũng từ những cuộc vận động, đến từng nhà dân mà tình làng, nghĩa xóm thêm gần gũi, mọi khó khăn trong cuộc sống thường nhật đều được làng xóm chia sẻ, chung tay giúp đỡ.


Vượt qua được những hủ tục, lệ làng về nếp sống, chuyển sang sửa đổi những quy ước về lao động, sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Đồng chí Trần Văn Tư, Trưởng xóm tâm sự :“Những năm trước đây, muốn làm thêm vụ đông, vụ xuân thì phải đầu tư xây tường bao, rào kín trên đất canh tác mới bảo vệ được cây trồng,  như vậy rất tốn kém. Sau khi được tập huấn các chương trình kỹ thuật về giống mới, thâm canh tăng vụ, chúng tôi đã tiến hành vận động đến từng hộ. Khi mọi người nhận thức được việc thâm canh tăng vụ là cần thiết thì đồng thời chúng tôi cho ký cam kết việc quản lý chăn thả gia súc, cấm thả rông; cam kết hợp tác về thủy lợi, thời vụ …Bản cam kết về hợp tác sản xuất đầu tiên được thảo ra từ năm 2010, sau đó được bổ sung, sử đổi hàng năm đã tạo ra được một quy chế mới trong sinh hoạt cộng đồng mang tính tự nguyện trên cơ sở cùng bàn bạc và thống nhất. Chính vì vậy sau Lễ hội truyền thống xuống đồng, tất cả đồng loạt làm thủy lợi, đồng loạt làm đất, đồng loạt xuống giống và tiến tới sẽ hợp tác làm cánh đồng cùng một giống”.

 

Chia sẻ về quá trình làm công tác vận động quần chúng, bà Nguyễn Thị Nụ, Chi hội trưởng Phụ nữ chia sẻ: “Mỗi dân tộc, khu dân cư đều có những nếp sống, phong tục, tập quán riêng, nhưng thấu hiểu và chia sẻ được với nhau thì sẽ có sự thống nhất cao trong hành động và trong suy nghĩ vì cộng đồng. Nhiều hộ dân ban đầu chỉ nghĩ vận động tiền để xây dựng đường, nhà văn hóa… là để phục vụ lợi ích cho những hộ làm kinh tế, phục vụ cho các trang trại, gia trại… Hoặc trong hoạt động văn hóa cũng vậy, không có nhà văn hóa, mỗi tối tập luyện hát Soọng cô, ở các hộ gia đình thì rất phiền và ảnh hưởng đến người khác, nhưng cũng có người lại nghĩ: Vận động tiền làm nhà văn hóa chỉ để cho mấy người tập văn nghệ cho vui…Nhưng vào dịp Hội làng, mừng thọ, Lễ hội xuống đồng đầu xuân, mừng lúa mới…mọi người đến đây tụ tập sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giao lưu thoải mái hơn, đông vui hơn một khuôn viên gia đình, dòng họ, nên ai cũng đồng tình ủng hộ ”.

 

Rời Tam Thái trong chiều tà, tiếng loa truyền thanh văng vẳng khắp thôn quê tuyên truyền về nếp sống mới và con người mới trong phong trào xây dựng nông thôn mới như tiếp thêm động lực cho đất và người nơi đây sớm về đích trong xây dựng nông thôn mới.