Xử lý chất thải y tế: Vẫn còn nhiều mối lo

15:30, 12/08/2016

Chất thải y tế là chất thải phát sinh trong các cơ sở y tế, từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, phòng bệnh, bao gồm cả dạng rắn, lỏng và khí. Mặc dù vấn đề xử lý rác thải, chất thải y tế trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm song có nhiều loại chất thải nguy hại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người.

Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Toàn tỉnh hiện có 574 cơ sở khám chữa bệnh với 5.294 giường bệnh. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày, các cơ sở này thải ra môi trường trên 1 tấn rác thải. Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, 13/17 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế đã thuê đơn vị chuyên thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, 4 đơn vị còn lại đang tự xử lý rác thải tại cơ sở bằng lò đốt. Các cơ sở y tế đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định và được thẩm định kỹ càng trước khi đưa vào hoạt động. Nhiều cơ sở y tế từng là “điểm nóng” trong việc gây ô nhiễm môi trường tại địa phương cũng đã đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải y tế hiện đại.

 

Là bệnh viện từng bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tăng cường đầu tư cải thiện hệ thống chất thải y tế. Bác sĩ Chuyên khoa II. Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện đã đầu tư mới, hiện đại hóa các thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường với số tiền trên 50 tỷ đồng gồm: hệ thống xử lý nước thải hiện đại, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng 38kg/h… đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường.

 

Còn bà Lê Thị Việt Anh, Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức, Bệnh viện Gang Thép cho hay: Từ năm 2010, Bệnh viện đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải BioFast với công suất 150m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải y tế và sinh hoạt của Bệnh viện. Bệnh viện cũng đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn với Công ty TNHH Anh Đăng. Trung bình 2-3 lần/tuần, đơn vị này sẽ đến thu gom chất thải y tế bằng xe chuyên dụng và vận chuyển đi xử lý. Nhiều năm nay, chúng tôi chưa nhận được bất ký ý kiến phản ánh nào của bệnh nhân cũng như người dân sinh sống quanh khu vực về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của Bệnh viện.

 

Không chỉ ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, các cơ sở y tế ở tuyến huyện cũng đã tăng cường đầu tư cho công tác xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, ngoại trừ những cơ sở y tế đang thuê đơn vị chuyên nghiệp xử lý rác thải, tại các cơ sở đang sử dụng phương pháp đốt rác đang tồn tại khá nhiều hạn chế.  Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa thông tin: Từ năm 2014, Bệnh viện đã đưa vào vận hành lò đốt rác F1-K theo công nghệ Nhật Bản, giải quyết cơ bản vấn đề rác thải y tế phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, từ khi lắp đặt và vận hành đến nay, lò đốt chưa được kiểm tra, đánh giá tác động đối với môi trường sau vận hành nên chúng tôi cũng không rõ Bệnh viện đang đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định ở mức nào. Thêm vào đó, vì lò đốt thải ra khói nên vào những ngày mưa, thời tiết ẩm ướt khiến khói không thoát được mà lơ lửng trong khu vực phía sau Bệnh viện, gây ảnh hưởng đến người bệnh.

 

Tại các trạm y tế hiện đang sử dụng lò đốt rác thủ công, tình trạng tương tự cũng xảy ra. Bác sĩ Đỗ Xuân Tỉnh, Trưởng trạm Y tế xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) chia sẻ: Vì lượng rác thải y tế phát sinh không nhiều và rác thải của Trạm chủ yếu là bơm tiêm, chai nhựa nên khi đốt có mùi rất khét nên có khi cả tháng chúng tôi mới tiến hành đốt một lần. Thêm vào đó, do thủy tinh và kim loại không thể đốt nên những lọ vắc xin, kim tiêm… vẫn được lưu giữ tại Trạm hàng tháng trời mà chưa có cách để xử lý. Ở một số trạm y tế chưa có lò đốt, rác thải y tế còn được xử lý theo theo cách “đặc biệt” hơn như: đốt nhờ ở công ty may gần trạm, đào hố trong vườn để đốt rác…

 

Bên cạnh các cơ sở y tế công lập, vấn đề xử lý chất thải y tế ở các cơ sở y tế tư nhân cũng đang gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, vẫn phát hiện tình trạng rác thải y tế như: bao tay, bông băng, gạc còn dính máu… được để chung với rác thải sinh hoạt và vứt tại lòng đường, vỉa hè. Theo đánh giá, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều phòng khám tư nhân quy mô nhỏ, nên lượng chất thải nguy hại phát sinh ở từng cơ sở rất khó kiểm soát, khả năng bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt tương đối cao. Cùng với đó, hầu hết các cơ sở này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế.

 

Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm quy định về xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, trước thực trạng còn nhiều kẽ hở trong quản lý loại chất thải được xếp vào diện nguy hại này rõ ràng là một mối lo đối với cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, có thể thâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau. Nước thải từ bệnh viện mang theo nhiều loại vi rút nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli… có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh. Do vậy, thiết nghĩ, các cấp, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp kiểm tra, đặc biệt là đối với các cơ sở y tế quy mô nhỏ nhằm xử lý các vấn đề phát sinh, xử lý nghiêm khắc các vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải…