Bảo hiểm y tế - “Phao cứu sinh” cho người có HIV

16:07, 23/09/2016

Trong bối cảnh các nguồn viện trợ cho phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm và có thể chấm dứt vào năm 2017, nhằm đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ngành Y tế tỉnh đã tích cực chuyển dần nhiệm vụ điều trị HIV/AIDS từ các chương trình, dự án viện trợ sang Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT).

Toàn tỉnh hiện có 4.041 người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý tại địa phương. Trong số đó có 86,5% bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV). Hiện nay, phần lớn các hoạt động chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS tại tỉnh ta đều do Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này dự kiến sẽ bị cắt giảm dần và chấm dứt vào năm 2017. Vì vậy, bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ phải tự chi trả chi phí điều trị HIV hoặc tham gia BHYT để giảm gánh nặng điều trị. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT, Sở Y tế đã tích cực triển khai thực hiện lộ trình tiếp nhận và chuyển giao các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ Dự án Quỹ toàn cầu.

 

Trong đó, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ sở y tế tuyến huyện thực hiện chuyển giao 7 phòng khám ngoại trú thuộc các trung tâm y tế huyện, thị xã sang các bệnh viện đa khoa cùng cấp tại địa phương để thực hiện khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS. Nguyên nhân của việc chuyển giao này là do các phòng khám đặt tại trung tâm y tế không đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh do BHYT chi trả với cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Hiện, các bệnh viện đa khoa huyện của tỉnh khi tiếp nhận điều trị HIV/AIDS đã đáp ứng được các điều kiện để có thể ký hợp đồng và thanh toán với Bảo hiểm Xã hội (gồm các quy định về cơ sở điều trị, năng lực xét nghiệm và bác sĩ điều trị…). Theo quy định, người tham gia BHYT nhiễm HIV được hưởng quyền lợi theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi họ sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được quỹ bảo hiểm y tế chi trả: thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT (xét nghiệm đếm tế bào CD4, tải lượng vi rút…); kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; đều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội (điều trị bằng Cotrimoxazol, Isoniazid…).

 

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; xây dựng quy trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS lồng ghép với quy trình khám, chữa bệnh của các bệnh viện; tại các khoa khám bệnh đang thực hiện việc khám, chữa bệnh điều trị HIV/AIDS, bổ sung nhiệm vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS theo quy chế bệnh viện về khám, chữa bệnh ngoại trú, để được BHYT thanh toán; các đơn vị cung cấp dịch vụ và quản lý khám, chữa bệnh HIV/AIDS sử dụng hệ thống quản trị mạng từ khâu tiếp nhận, khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định xét nghiệm, kê đơn, cấp phát thuốc; tổ chức tư vấn cho bệnh nhân sự cần thiết của thẻ BHYT và việc thực hiện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT; từng bước chuyển bệnh nhân HIV/AIDS từ bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh về tuyến huyện, thành phố theo nơi cư trú, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh mua và sử dụng BHYT, tiến tới mở điểm cấp phát thuốc kháng vi rút ARV tại phường, xã, thị trấn và lồng ghép với các chương trình y tế địa phương.

 

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh khoảng 80% số bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT. Đa số những người này thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc thuộc vùng khó khăn được cấp miễn phí thẻ BHYT. Những đối tượng còn lại không có thẻ BHYT đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh nên vấn đề vận động họ tham gia BHYT tương đối khó khăn. Về phía người bệnh, họ cũng có những phân vân khi tham gia BHYT. Khi được hỏi nguyên nhân chưa tham gia BHYT, anh N.Q.K, bệnh nhân đang điều trị ARV lo lắng: Khi tham gia khám, chữa bệnh BHYT, tôi sẽ phải đăng ký, khai báo thông tin cá nhân, công khai tình trạng bệnh nên tôi rất lo lắng bị lộ thông tin về tình trạng bệnh của mình.

 

Hiện nay, thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí, người bệnh chỉ phải chi trả tiền khám và làm các xét nghiệm định kỳ. Tuy nhiên,  đây vẫn là khó khăn cho không ít bệnh nhân chưa nói đến trong thời gian tới, khi nguồn tài trợ bị cắt giảm, người bệnh sẽ phải chi trả thêm tiền thuốc ARV. Đây sẽ là một trở ngại lớn đối với người bệnh nếu không tham gia BHYT. Vì vậy, bệnh nhân HIV/AIDS cần hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHYT. Cùng với đó, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh HIV/AIDS tham gia BHYT, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân và xã hội.