Các bệnh không lây nhiễm làm gia tăng gánh nặng bệnh tật

10:29, 14/09/2016

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều gánh nặng bệnh tật, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đang giảm thì tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng.

Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch, sau đó là các bệnh: ung thư, đái tháo đường, bệnh đường hô hấp mạn tính. Các bệnh không lây nhiễm tăng nhanh là do liên quan đến hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu bia và chế độ ăn không hợp lý.

 

Sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm gây ra sự gia tăng nhanh chóng chi phí khám chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị cho bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với điều trị các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu, dễ bị biến chứng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất lũy tích về kinh tế đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình do các bệnh không lây nhiễm là trên 7000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2011-2025 (bình quân mỗi năm gần 500 tỷ USD).

 

Thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, năm 2015, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS). Đây là cuộc điều tra được thiết kế công phu, khoa học, áp dụng các quy trình và công cụ chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, chọn mẫu đại diện quốc gia.

 

Kết quả điều tra cho thấy: 77,3% số nam giới và 11,0% nữ giới hiện đang sử dụng rượu bia (tức là có uống trong vòng 30 ngày qua), tỷ lệ chung cho cả hai giới là 43,8% và có xu hướng tăng theo thời gian. Trong đó, 44,2% số nam giới và 1,2% nữ giới uống rượu bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên). Đặc biệt, trong 30 ngày qua, gần một nửa (45%) trong số người đang sử dụng rượu bia đã điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống.

 

Theo điều tra, có 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (400gam/ngày) và tỷ lệ này ở nam giới cao hơn so với nữ giới. Đồng thời, trung bình một người tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (dưới 5gam muối/ngày). Gần 1/3 dân số (28,1%) thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc tương đương)...

 

Bên cạnh đó, 15,6% số người dân Việt Nam hiện tại bị thừa cân béo phì và không có sự khác biệt giữa nam và nữ; tỷ lệ này cao hơn ở thành thị. Ngoài ra, tỷ lệ mắc tăng huyết áp là 18,9%; tỷ lệ rối loạn đường huyết lúc đói là 3,6% và tỷ lệ tăng đường huyết là 4,1%; 30,2% số người trưởng thành có tăng cholesterol máu.

 

Thông qua kết quả chung của cuộc điều tra cho thấy: ở quần thể từ 18-69 tuổi, hầu hết các yếu tố nguy cơ đều có tỷ lệ cao. Ngoại trừ tỷ lệ ăn thiếu rau/trái cây ở cả hai giới và tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở nam giới giảm, còn lại các yếu tố nguy cơ khác đều không giảm hoặc tăng cao hơn một cách đáng kể so với kết quả điều tra năm 2010. Một số yếu tố nguy cơ ở nam giới có tỷ lệ cao hơn nữ giới gồm: sử dụng rượu bia, ăn thiếu rau/trái cây và tăng huyết áp. Bên cạnh đó, tỷ lệ người được phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và sàng lọc ung thư cổ tử cung còn rất thấp.