Chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm

16:21, 20/09/2016

Vào những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp thường làm xuất hiện một số bệnh, như: chân tay miệng, thủy đậu, quai bị... ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là ở trẻ nhỏ. Để hạn chế tối đa số người mắc các bệnh này, Trung tâm Y tế T.P Sông Công đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn bệnh lây lan thành dịch.

T.P Sông Công hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động với số lượng lớn công nhân trong và ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc, do vậy, nếu không được kiểm soát tốt, dịch bệnh rất dễ xảy ra. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Sông Công thì qua theo dõi từ năm 2013 đến nay, số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, như quai bị, thủy đậu, đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp... có xu hướng tăng. Trong khi hiện nay, bệnh truyền nhiễm do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp và lây lan nhanh. Trên địa bàn tỉnh ta cũng như tại T.P Sông Công tuy chưa phát hiện trường hợp nào mắc hai bệnh trên nhưng không vì thế mà cơ quan Y tế Thành phố chủ quan, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tính mạng con người.

 

Với mục tiêu kiểm soát tốt các loại dịch bệnh và không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Đội cơ động phòng, chống dịch; tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm, cán bộ y tế xã, phường và người dân trên địa bàn; chuẩn bị cơ số hóa chất, phương tiện máy móc, trang phục chống dịch sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra; tổ chức khám sàng lọc nhằm phát hiện những trường hợp nghi ngờ kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo để hội chẩn phát hiện sớm những trường hợp mắc dịch. Đồng thời, có phương án cách ly ca bệnh và bảo vệ cho những bệnh nhân khác. Đối với các xã, phường, đã thành lập Đội phòng, chống dịch cơ động (mỗi xã, phường có 2-3 đội) sẵn sàng đáp ứng với tình huống dịch khẩn cấp và gia tăng; phối hợp với các tổ chức thú y, hội nông dân... nhằm giám sát những diễn biến bất thường về gia súc, gia cầm để phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn.

 

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh, ngay từ đầu năm học, Trung tâm Y tế T.P Sông Công đã phối hợp với Phòng Giáo dục Đào tạo thành phố triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tới các trường học trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào việc tuyên truyền nhằm giúp giáo viên, học sinh nhận thức được tác hại của các bệnh dịch và cách ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra trong nhà trường. Cô giáo Phạm Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Quang cho biết: Nhà trường hiện có gần 500 học sinh ở các độ tuổi từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi. Mới đây, Trường có 5 cháu học sinh ở lớp học 3 tuổi mắc bệnh chân tay miệng nên Nhà trường đã đề nghị phụ huynh cho các cháu nghỉ học để điều trị, tránh lây lan cho các bạn khác. Xác định, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Nhà trường thường xuyên tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh lớp học. Rèn cho trẻ ý thức tự giác thực hiện tốt việc phòng dịch bệnh như rửa tay trước khi ăn, sau khi tham gia các hoạt động ngoại khóa... Cùng với đó, Nhà trường cũng tổ chức khám sức khỏe cho trẻ theo định kỳ; nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm đến sức khỏe con trẻ, khi có dấu hiệu mắc một số bệnh truyền nhiễm cần đưa đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh kịp thời.

 

Tại phường Bách Quang, những ngày này, trên hệ thống loa phát thanh tại các tổ dân phố liên tục phát đi những thông điệp tuyên truyền về tác hại của các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết. Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế phường đã tổ chức được 2 đợt khám sàng lọc cho bà con nhân dân trên địa bàn, tập trung vào người cao tuổi, trẻ em ở các độ tuổi. Chị Dương Thị Hoa, ở tổ dân phố Làng Mới cho biết: Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, thời gian gần đây, gia đình chị cùng người dân trong tổ dân phố đã tích cực tổ chức dọn dẹp phát quang bụi rậm, vệ sinh những bể, thùng, chậu chứa nước để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy... Đồng thời, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, nhất là trong những ngày mưa, ẩm ướt để tránh dịch bệnh từ vật nuôi lây lan sang người. Đặc biệt, mỗi tháng cán bộ phòng, chống dịch của Trung tâm Y tế Thành phố xuống tận nhà 5-10 hộ dân của các tổ dân phố để tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn bà con cách phòng, chống và điều trị khi có dịch bệnh xảy ra.

 

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì Trung tâm Y tế T.P Sông Công đã chuẩn bị hơn 100kg hóa chất; 4 bình phun khử trùng bằng máy và 4 bình phun tay; hơn 160 trang phục cho cán bộ chống dịch; trên 3.500 chiếc khẩu trang y tế; gần 10.000 bơm tiêm 0,5ml... sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Vinh thì hiện nay, thời tiết giao mùa, độ ẩm không khí cao là thời điểm mà cơ thể con người dễ bị mệt mỏi, khả năng miễn dịch kém nên dễ bị nhiễm bệnh một số bệnh, như viêm phổi, viêm phế quản, đau mắt đỏ... Do vậy, để chủ động phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm, mỗi người cần có nhận thức trong phòng, chống dịch bệnh bằng việc vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh, chủ động tiêm phòng vắc xin đầy đủ, nên đeo khẩu trang khi đi ra đường. Khi có dấu hiệu bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn cách phòng, chống và điều trị. Cùng với đó, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng và giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.