Chú trọng đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân

16:46, 22/09/2016

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác dạy nghề với phương châm “cầm tay chỉ việc”, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua vật tư và phân bón theo phương thức hỗ trợ lãi suất thấp, phương thức trả chậm… Công tác này đã từng bước giúp hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  

Thực hiện công tác dạy nghề cho nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh (Hội Nông dân tỉnh) đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức các lớp dạy nghề sơ cấp (3 tháng) với nhiều mô hình như công nghệ chế biến chè, nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm… Theo đó, trong năm vừa qua, Trung tâm đã mở được 11 lớp dạy nghề cho 370 học viên trên địa bàn 9 huyện, thành phố, thị xã. Các lớp dạy nghề tổ chức theo nhu cầu của nông dân, phù hợp với đối tượng tham gia, đồng thời gắn với đặc thù kinh tế địa phương.

 

Là học viên của lớp “Nuôi và phòng bệnh cho gà” năm 2015, anh Trần Đức Nam, ở xóm Na Đuốc, xã Tân Kim (Phú Bình) cho biết: “Trước đây do chưa có kiến thức, gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm ngoái, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh về tận xã mở lớp học nghề, tôi đã đăng ký tham gia. Theo học, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc gà theo chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, quy trình tiêm vacxin phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại đúng cách, giúp đàn gà khỏe mạnh. Nhờ biết cách ứng dụng những kiến thức đã học, chưa đầy hai năm, gia đình tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi lên gần 1.000 con gà/lứa, sau 4 tháng xuất chuồng, thu lãi trên 20 triệu đồng/lứa.

 

Ngoài chăn nuôi, hàng năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh còn mở khoảng 7 lớp nghề trồng trọt như kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm chè, mô hình trồng và nhân giống nấm… Không ít nông dân sau khi tốt nghiệp đã triển khai hiệu quả mô hình. Điển hình như ông Ngô Quang Bắc, ở xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Trước khi theo học lớp nghề trồng và nhân giống nấm của Trung tâm năm 2015, nguồn thu nhập của gia đình ông Bắc chỉ dựa vào vài ba sào ruộng, rất vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Thế nhưng, sau khi theo học nghề trồng nấm… ông đã mạnh dạn cải tạo hơn 100m2 khu chuồng trại chăn nuôi cũ để làm nơi trồng nấm. Vụ đầu tiên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, gia đình ông đã trồng thành công hơn 1 nghìn bịch nấm Sò cho thu hoạch trên 800kg nấm tươi, thu nhập 20 triệu đồng. Nhận thấy đây là cơ hội phát triển kinh tế, ông đã mở rộng quy mô sản xuất lên 500m2, mỗi vụ (1,5 - 2 tháng) ông bán ra thị trường khoảng 5.000kg nấm tươi, cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông Trần Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Các lớp học nghề được đào tạo theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, số tiết thực hành chiếm trên 60%. Ngoài ra, người học được tham quan thực địa, thực hành tại các mô hình, làng nghề điển hình để dễ dàng tiếp cận và sản xuất theo các mô hình đã có. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được ra đời như công nghệ chế biến chè theo quy trình VietGAP ở xã Tràng Xá (Võ Nhai), nuôi gà đồi ở xã Tân Kim (Phú Bình), trồng và nhân giống nấm ở xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên)…

 

Bên cạnh việc đào tạo nghề, hoạt động hỗ trợ cho nông dân cũng được chú trọng. Năm vừa qua, Hội Nông dân đã liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng CMT Việt Nam, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Green life, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp tỉnh… cung ứng 4.893 tấn vật tư phân bón cho trên 10.000 hộ nông dân nghèo thiếu vốn; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ thiết bị cơ khí Cường Phát hỗ trợ nông dân vốn vay mua 400 máy cày, theo phương thức hỗ trợ lãi suất thấp, trả chậm. Từ đầu năm đến nay, Hội còn hỗ trợ trên 7,1 tỷ đồng (nguồn vốn do Trung ương ủy thác và vốn của tỉnh) cho 245 gia đình hội viên liên kết phát triển kinh tế theo các mô hình.

 

Nhờ công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên đã vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ nông dân nghèo được thay đổi tư duy kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ kết quả này đã góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh năm 2016 trong giải quyết việc làm cho 15 nghìn lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% và đưa giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 5%.