Chuyển biến trong lựa chọn nghề nghiệp của học sinh

09:15, 07/09/2016

Thời gian gần đây, tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày càng gia tăng. Thậm chí, có sinh viên ra trường đến hai, ba năm vẫn không tìm được việc làm, chưa nói đến chuyện tìm được công việc đúng ngành nghề. Nghịch cảnh “ thừa thầy”, “thiếu thợ”, khốn khó về việc làm diễn ra trên nhiều ngành, nghề đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức về việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của lớp trẻ.

Hiện nay cả nước có 412 trường ĐH, CĐ tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH, CĐ; cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng. Theo thống kê mới đây của cơ quan chuyên môn, quý I năm 2016 cả nước có tới 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là con số báo động mạnh mà nhiều chuyên gia đã phản ánh.

Năm nay, trong lúc hầu hết các trường đại học (ĐH), ngay cả những trường lớn đều đang thiếu chỉ tiêu thì các trường cao đẳng (CĐ) nghề lại được thí sinh quan tâm và lựa chọn nhiều hơn. Nhiều trường, lượng hồ sơ nộp vào đã xấp xỉ chỉ tiêu, một số ngành "hot" đã thừa hồ sơ. Kết thúc thời gian xét tuyển đợt 1, các trường ĐH đồng loạt hạ điểm chuẩn, đưa ra hàng nghìn chỉ tiêu bổ sung nguyện vọng. Ngay cả một số trường ĐH top đầu như: ĐH Bách khoa, Đại học Y Hà Nội... cũng thiếu chỉ tiêu và xét tuyển bổ sung. Trong bối cảnh ấy, một số trường CĐ đào tạo nghề lại thu hút được lượng hồ sơ đáng kể.

 

Theo thông lệ những năm trước, khoảng tháng 10, khi các trường ĐH kết thúc tuyển sinh, thí sinh mới bắt đầu quan tâm đến trường nghề. Nhưng năm nay nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường CĐ nghề ngay từ tháng 8. Dù chưa đến thời điểm chính để tuyển sinh nghề nhưng tại một số trường CĐ nghề, thí sinh tới nộp hồ sơ khá đông. Nhiều thí sinh có điểm thi THPT Quốc gia cao nhưng vẫn nộp hồ sơ vào trường nghề. Điều đó cho thấy, thí sinh đã nhận thức được nhu cầu của xã hội cũng như khả năng có việc làm khi tốt nghiệp các trường nghề.

 

Lý giải về sức hút của trường CĐ nghề với cả thí sinh có đủ điều kiện xét tuyển ĐH, nhiều chuyên gia giáo dục nói ngắn gọn, đó chính là “cơ hội việc làm”. Một số trường đào tạo nghề có chính sách đặc biệt với ngành đào tạo trọng điểm, cam kết hoàn trả học phí cho sinh viên nếu sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, bởi thực tế những năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp của trường đều được doanh nghiệp tuyển dụng. Nhiều em cho rằng học ĐH ra khó kiếm việc làm nên đổi định hướng của mình. Hơn nữa, có một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp vào trường nghề đặt hàng, tuyển dụng rất nhiều.

 

Tình trạng thất nghiệp quá lớn như hiện nay khiến nhiều phụ huynh, học sinh có cái nhìn thực tế hơn. Tâm lý của phụ huynh, học sinh cũng đã có sự thay đổi khi dịch chuyển từ ĐH sang học nghề. Nhiều học sinh lớp 12 năm nay chọn môn thi chỉ có mục tiêu để tốt nghiệp, sau đó đi học ngành nghề hệ trung cấp, CĐ phù hợp sở thích và khả năng thật sự là tín hiệu tích cực trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đây là năm đầu tiên thể hiện rõ nét nhất sự dịch chuyển ấy. Các em học sinh không còn vào ĐH bằng mọi giá như những năm trước nữa mà định hướng rõ ràng đi học nghề ngay từ đầu.

 

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động và xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp ngay từ khi còn học đại học.

 

Ở các nước phát triển, học sinh từ tiểu học, trung học cơ sở đã được tìm hiểu nghề nghiệp tương lai bằng cách tiếp cận thực tế tại các cơ sở sản xuất, nhà máy, doanh nghiệp, phòng thí nghiệm… Ngành giáo dục nên nghiên cứu, tham khảo để đưa vào chương trình đào tạo về cách định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh ngay từ khi còn bé. Các bậc phụ huynh trên cơ sở nhận dạng tính cách, kỹ năng, sở thích của con cũng cần chủ động trong việc tìm hiểu các thông tin về ngành nghề đào tạo, yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với ứng cử viên để giúp con có được việc làm phù hợp sau khi học xong.

 

Chọn ngành học là quyết định quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến tương lai mỗi người sau này. Tuy nhiên, nhiều học sinh ít khi tìm hiểu kỹ về ngành học, công việc mà mình sẽ theo đuổi. Có em lựa chọn theo cảm tính, không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp cũng như triển vọng công việc sau khi ra trường. Đã đến lúc, cần thay đổi tư duy “sính” bằng cấp bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền cho lớp trẻ hiểu rõ tương lai của mình phụ thuộc vào năng lực thực sự chứ không phải là cần tấm bằng để tiến thân. Hãy giúp cho họ nhận thức học để trở thành một công dân tốt, có nghề nghiệp, có việc làm để được cống hiến, cùng với đó là có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống.

 

Xác định đúng hướng đi cho mình, có sự định hướng nghề nghiệp đúng, lực lượng lao động trẻ mới có cơ hội thành công trong sự nghiệp. Kiến thức cần đi liền với đam mê, nhưng quan trọng hơn, các bạn trẻ cần nhìn ra cơ hội nghề nghiệp cho chính mình.